Những bệnh lý dễ gặp khi thời tiết giao mùa
Y tế - Ngày đăng : 03:35, 31/10/2019
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, thời điểm giao mùa từ cuối thu sang đầu đông, những người có sức khỏe yếu, người già và trẻ em chậm hoặc không thích nghi kịp với thời tiết sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
Hơn nữa, thời tiết thay đổi cũng là điều kiện thuận lợi cho một số loại virus, vi khuẩn phát triển, người dân dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, như: Cúm, viêm đường hô hấp trên, sởi, rubella; trong đó cúm, sởi, rubella có khả năng gây thành dịch.
Viêm đường hô hấp trên
Là bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến nhất, bao gồm viêm xoang, viêm họng. Bệnh có dấu hiệu điển hình là sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau họng khi nuốt, thở khò khè.
Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng thời tiết. Bệnh viêm đường hô hấp trên không quá nguy hiểm và có khả năng chữa dứt điểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời có thể bị đồng nhiễm với bệnh đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi) gây biến chứng như viêm tim, viêm não, thấp khớp cấp, viêm cầu thận.
Người dân dễ bị viêm đường hô hấp trong thời tiết như hiện nay. Ảnh minh họa: Internet
Cúm
Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đi ngoài, đặc biệt đối với trẻ em.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus, lây qua đường không khí. Lúc đầu, người mắc sốt nhẹ, sau đó bệnh có biểu hiện rõ rệt như: Sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, cùng với đó là xuất hiện tình trạng viêm mũi gây hắt hơi, sổ mũi, ho có đờm; chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ. Người mắc sởi khi đỡ sốt hoặc hết sốt sẽ xuất hiện tình trạng mọc các nốt ban sởi.
Những đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc sởi như viêm não, loét giác mạc là những trẻ có tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, thiếu vitamin A.
Phụ nữ đang mang thai cũng có nguy cơ mắc sởi nếu chưa từng bị bệnh sởi hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh và có tiếp xúc với nguồn bệnh. Virus sởi sẽ gây ra tình trạng sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân.
Rubella
Bệnh này dù không nguy hiểm với trẻ nhỏ nhưng rất nguy hiểm với phụ nữ có thai, nhất là trong ba tháng đầu của thai kỳ. Bệnh cũng có thể gây sảy thai, thai lưu hoặc gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Bệnh có dấu hiệu khá giống với bệnh sởi như sốt, phát ban. Các nốt ban lúc đầu xuất hiện ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân nhưng ban thường mọc không tuần tự như bệnh sởi.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hằng năm, các ca mắc những bệnh trên gia tăng khi thời tiết giao mùa thu đông.
Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp như vệ sinh cá nhân; giữ ấm cơ thể, chú ý vùng đầu, ngực, cổ, bàn chân; đảm bảo vệ sinh môi trường.
Biện pháp nữa là tăng cường chế độ dinh dưỡng, trong đó ăn uống cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; ăn nhiều rau, hoa quả để nâng cao sức đề kháng.
Các bệnh như cúm, sởi, rubella đều đã có vắc xin phòng chống. Vì vậy, việc tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch là rất cần thiết.
Nguyệt Minh (T/h)