Không để khan hàng, sốt giá dịp Tết Nguyên đán Canh Tý
Y tế - Ngày đăng : 07:35, 12/11/2019
Để đảm bảo nguồn cung và cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên Đán 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong, sau Tết…
Ảnh minh họa
Triển khai chỉ đạo trên, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn thành phố. Sở dự kiến số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2020, gồm: Gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.
Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn Thành phố sẽ được thực hiện từ ngày 1/4/2019 đến hết tháng 3/2020. Mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm 10 nhóm hàng; lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 30% nhu cầu thị trường và các tháng tết. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 30% đến 40% nhu cầu thị trường.
Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch cụ thể dự trữ hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người tiêu dùng. Theo đó, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn xuất chuồng lợn dưới tuổi (từ 80kg đến 90kg/con), tập trung phát triển nguồn lợn giống, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn; Công ty Vissan dự trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày và nhập khẩu thịt nếu có biến động lớn; Công ty Ba Huân trữ đông 200 tấn thịt gà, tăng lượng cung ứng 20 tấn thịt gia cầm; Công ty San Hà trữ đông 1.500 tấn thịt lợn, gà, tăng lượng cung ứng lên 200 tấn thịt gà/ngày, 25 tấn thịt lợn/ngày; Công ty Cổ phần C.P Việt Nam cung ứng vượt kế hoạch Thành phố giao; triển khai biện pháp kỹ thuật, xuất chuồng sớm, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng thịt lợn. Saigon Co.op tiếp tục thực hiện bình ổn thị trường với 10 nhóm hàng và tổ chức thực hiện ứng vốn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa vệ tinh để chuẩn bị tốt nguồn hàng. Đến thời điểm này, các nhà cung ứng của Saigon Co.op cũng đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng Tết.
Cùng với đó, Sở Công Thương các tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố và các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…. đồng thời thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết…
Sở cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường theo dõi, nắm tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra hiện tượng thiếu hàng, khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng đột biến… kịp thời thông tin về Sở Công Thương khi có các diễn biến thị trường xảy ra.
Minh Anh (T/h)