Cách phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh
Y tế - Ngày đăng : 07:32, 28/11/2019
Kháng sinh không có hiệu quả tiêu diệt virus
Theo Ths.BS Nguyễn Văn Tùng, Khoa Nhi, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, nguyên nhân gây viêm họng, viêm phế quản phổ biến là do virus Rhino, Corona, Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV hoặc do liên cầu khuẩn tan nhóm máu A, phế cầu khuẩn gây ra. Bệnh gây lây nhiễm do môi trường không sạch, nhiều khói bụi, ẩm thấp và do thời tiết lạnh.
Cả viêm họng cấp và viêm phế quản nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến trẻ bị biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa. Đặc biệt, với trẻ bị viêm họng, có thể bị viêm cầu thận cấp, thấp tim nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A.
Về việc điều trị, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, thường 80% bệnh là do virus gây nên và chỉ 20% do vi khuẩn. Nếu bệnh do virus, bệnh nhân bị viêm họng có thể tự khỏi sau 2-3 ngày. Trẻ bị sốt cao liên tục, khám có nhiễm khuẩn, họng có mủ mới cần dùng kháng sinh. “Việc điều trị là do bác sĩ quyết định, cha mẹ không tự ý điều trị”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến việc dùng kháng sinh, Ths.BS Nguyễn Văn Tùng chia sẻ, trong quá trình điều trị, chuyên gia này nhận thấy nhiều phụ huynh lạm dụng kháng sinh hoặc dùng kháng sinh không đúng cách.
Chẳng hạn, nhiều phụ huynh khi thấy con ho, sốt, chảy nước mũi do cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng bởi virus (trẻ ho không có đờm xanh hoặc vàng), thậm chí là ho do dị ứng thời tiết hoặc khói bụi… lập tức ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng, trong khi thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả với virus.
“Không thể dùng kháng sinh để trị cúm hoặc các bệnh cảm, ho thông thường khác do virus gây nên. Trẻ bị bệnh do vi khuẩn thường có đờm xanh hoặc vàng thì mới cần dùng kháng sinh”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Có trường hợp phải dùng kháng sinh, nhưng khi dùng 1-2 ngày, thấy bệnh thuyên giảm, đỡ sốt, hết triệu chứng của bệnh thì phụ huynh ngừng thuốc vì cho rằng uống tiếp sẽ hại người, bị tác dụng phụ. Lại có trường hợp, dùng kháng sinh vài ngày thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác hoặc kết hợp nhiều loại kháng sinh với nhau. Trong khi đó, một đợt điều trị kháng sinh thường từ 5-7 ngày hoặc 10 ngày tuỳ theo từng bệnh, căn nguyên khác nhau.
“Việc dùng kháng sinh không cần thiết hoặc không đúng liều sẽ gây kháng thuốc”, Ths.BS Nguyễn Văn Tùng cảnh báo.
Ths.BS Nguyễn Văn Tùng khám cho một bệnh nhi
Hạn chế các món cay hoặc món ăn có thể gây dị ứng
Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị viêm họng, viêm phế quản cũng rất quan trọng. Vì vậy, trẻ cần được đảm bảo ăn nhiều bữa, ăn thức ăn ấm, lỏng để dễ nuốt, chế độ ăn có nhiều vitamin, muối khoáng (ăn nhiều hoa quả), uống đủ nước, nằm nơi thoáng mát.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia lưu ý, những loại thực phẩm không nên cho bé ăn khi bị viêm họng, viêm phế quản là món cay hoặc món ăn có thể gây dị ứng như tôm, nhộng, lạc, cua…, bởi có thể làm tăng tình trạng viêm đường hô hấp của trẻ.
Hiện, thời tiết đang chuyển sang mùa đông. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh về hô hấp cho trẻ là rất quan trọng.
Theo Ths.BS Nguyễn Văn Tùng, để phòng các bệnh trên, phụ huynh giữ ấm cho con khi đi đường và khi ngủ; không để con ở lâu ngoài trời lạnh; cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu cho trẻ (chất bột, chất béo, chất đạ, khoáng chất và vitamin). Cùng với đó, phụ huynh tránh yếu tố bụi, hơi nóng, môi trường ẩm thấp ảnh hưởng tới đường hô hấp của trẻ.
Những biện pháp khác là vệ sinh mũi, họng mỗi ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý; vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc với các mầm bệnh; cho trẻ trên 6 tháng tuổi tiêm phòng cúm hằng năm; khi trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái, bỏ bú, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện.
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc họng. Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng hoặc viêm các đường dẫn không khí lớn đến phổi.
Viêm họng cấp có những triệu chứng điển hình như: Sốt (đa phần các bé đều chỉ bị sốt nhẹ, nhưng cũng có một số trường hợp bị sốt cao lên đến 39-40 độ C); khô và đau rát cổ họng nên trẻ khó chịu, hay quấy khóc, biếng ăn và dễ bị nôn trớ khi ăn; ho khan hoặc ho có đờm; chảy nước mũi; nổi hạch sưng tấy và đau ở góc hàm. Những trẻ lớn hơn bị viêm họng cấp có thể có tình trạng đau đầu, ù tai, đau cổ họng khi nuốt.
Những trẻ bị viêm phế quản thường ho khan hoặc ho có chất nhầy (có thể trong, vàng hoặc xanh); tức ngực hoặc đau khi ho hoặc hít thở sâu; sốt, đau nhức cơ thể và ớn lạnh; đau họng và chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; khó thở hoặc thở khò khè; đau đầu; mệt mỏi. Tuy nhiên, để khẳng định trẻ có bị viêm phế quản hay không, các bác sĩ sẽ cho trẻ làm các xét nghiệm máu và chụp X-quang.
Ngọc Trâm (T/h)