Mối nguy hiểm từ bột màu vẽ ‘trôi nổi’ trên thị trường
Y tế - Ngày đăng : 07:30, 12/12/2019
Xung quanh khu vực Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp (Đường Đê La Thành, TP. Hà Nội), sản phẩm bột màu vẽ được đựng trong các túi nylon, buộc bằng dây sơ sài, không có bất kì thông tin nào về ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần… bày bán công khai ở gần như tất cả các cửa hàng bán đồ mỹ thuật.
Được biết, loại bột này được đựng trong các hộp, gắn nhãn thủ công với thông tin: “Tên: Màu công nghiệp. Xuất xứ: Trung Quốc. Sử dụng trong công nghiệp. HSD: Hai năm”. Vậy là người dùng cứ dùng còn mọi thông tin khác đều không có.
Bạn N.T.N – Sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chia sẻ: “Bột màu này rẻ, pha với keo và nước với lượng vừa đủ là có thể sử dụng được. Bởi vì chúng em vẽ nhiều nên màu càng rẻ tiền càng tốt. Các bạn em vẫn mua và dùng như thường nhưng chưa thấy vấn đề gì. Hơn nữa sinh viên như bọn em làm sao đủ tiền mua mấy loại màu đắt, ví dụ như bộ màu của Nhật Bản giá đã từ 600.000 – 1.000.000/ bộ…”.
N. cho biết thêm: “Không chỉ riêng khu vực trường em bày bán, nếu chị muốn mua bột màu này với số lượng lớn có thể ra Chợ Kim Biên hoặc Đường Nguyễn Khuyến (Đống Đa, TP. Hà Nội)…”.
Ảnh minh họa
Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực hóa học, chất màu thường có hai nhóm chính: chất màu vô cơ và chất màu hữu cơ. Trong một số sản phẩm bột màu, người ta có thể phối trộn chất màu vô cơ với chất màu hữu cơ. Chính vì vậy, đây là thành phần gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe, vì có thể chứa các kim loại độc hại. Một số phụ gia thường dùng trong màu nước như propylene glycol và các glycol ethers có khả năng gây dị ứng hoặc hen suyễn.
Đặc biệt, có một số bột màu sắc như trắng, vàng vô cơ… có chứa chì carbonate hoặc các oxid, muối kim loại chứa cadmium, chromate… Những hóa chất này có thể gây thiếu máu, các vấn đề tiêu hóa, tổn thương thần kinh (tổn thương não ở trẻ em), tổn thương thận và hệ sinh sản. Một số chất màu hữu cơ cũng bị cấm sử dụng do những tác hại đến sức khỏe, đặc biệt là có thể gây ung thư.
Việc sử dụng bột màu không rõ nguồn gốc, thành phần để sử dụng có thể bị nhiễm độc khi tiếp xúc qua da, hít vào hoặc nuốt phải. Dùng tay có dính màu rồi sau đó cầm thức ăn, đồ chơi… mà không rửa tay sẽ tạo cơ hội để các thành phần độc hại có trong màu đi vào cơ thể qua đường miệng. Việc hít phải các bột màu còn có nguy cơ bị những bệnh ở phổi và đường hô hấp… Việc nhiễm các chất độc từ màu nước có thể dễ dàng xảy ra khi trẻ dùng tay có dính màu nước cầm thức ăn, đồ chơi… Lúc này, các thành phần độc hại có trong màu nước có cơ hội vào cơ thể qua đường miệng.
Một nguy cơ khác, dù rất hiếm, khiến các em bị ngộ độc các thành phần có trong màu sơn là do hít phải bột màu (một số màu nước được tạo ra bằng cách pha bột màu trong nước). Khi đó, ngoài việc có thể bị nhiễm độc, các em còn có nguy cơ bị các bệnh ở phổi và đường hô hấp. Ngoài ra, một số sản phẩm màu vẽ bằng tay do Trung Quốc sản xuất hiện đã có mặt trong danh mục sản phẩm bị thu hồi RAPEX của Liên minh châu Âu.
Trong khi cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới liên tục thu hồi đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập bị phát hiện nhiễm chì cao và cảnh báo nguy cơ gây hại cho trẻ khi tiếp xúc, thì ở Việt Nam chưa có nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát, đưa ra cảnh báo về nhóm hàng này. Do vậy, có lẽ các bậc phụ huynh vẫn còn chủ quan để con em mình tiếp xúc với “tử thần” mỗi ngày không hay.
Minh Anh (t/h)