Biến nước thải thành nước sạch – Giải pháp khắc phục ô nhiễm nguồn nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:44, 20/06/2017

PGS.TS Trần Hồng Côn – Người tìm ra giải pháp biến nước thải thành nước sạch

(Moitruong.net.vn) – Hiện, hầu hết các sông của Việt Nam đều đang có dấu hiệu ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Nhiều khu vực đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Chính vì vậy, vấn đề giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tái sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước được nhiều nhà khoa học quan tâm và đi tìm biện pháp ưu việt.

Ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước

Theo đánh giá của Ngân hàng châu Á, Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước. Tài nguyên nước nội địa Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới, khoảng 3.600 m3/ người/ năm, thấp hơn mức bình quân toàn cầu là 4.000 m3/người/năm.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Hiện, hầu hết các sông của Việt Nam đều đang có dấu hiệu ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Nhiều khu vực đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư, một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Mỗi ngày có hơn 2 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý tại các khu công nghiệp xả thẳng ra môi trường.

Trong báo cáo được công bố nhân “Ngày nước thế giới” mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp và 615 cụm công nghiệp, trong đó tổng lượng nước thải xả ra khoảng hơn 2 triệu m3/ngày đêm. Với 70% nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và môi trường thủy sinh.

ô nhiễm nguồn nướcHầu hết các sông của Việt Nam đều đang có dấu hiệu ô nhiễm

Giải pháp biến nước thải thành nước sạch

Trước thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã phát minh máy lọc biến nước sông thành nước tinh khiết. Nghiên cứu này của PGS Trần Hồng Côn được dư luận kỳ vọng như giải pháp “cứu cánh” tích cực nhằm biến nước thải thành nước sạch để sử dụng hàng ngày.

Để chứng minh tính ưu việt của máy lọc, PGS Trần Hồng Côn đã nhiều lần thí điểm trực quan qua nước sông Tô Lịch – con sông từ lâu được xem là “điểm đen” ô nhiễm của Hà Nội do phải hứng hàng nghìn mét khối nước thải sinh hoạt.

Khi nhắc đến công trình nghiên cứu của mình, PGS Trần Hồng Côn tâm sự: “Nhìn thấy người dân sống trong cảnh “khát” nước sạch làm tôi luôn trăn trở làm thế nào để đem lại nguồn nước sạch nhất cho người dân. Chính vì vậy, mục đích của tôi khi bắt tay nghiên cứu công nghệ lọc nước này là nhằm giúp những người dân sống ở những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, những nơi bị lũ lụt có đủ nước sạch để ăn uống…”.

Công nghệ lọc nước do PGS Trần Hồng Côn nghiên cứu có ưu điểm là có thể biến nước thải thành nước sạch nhờ công nghệ hấp thu chọn lọc. Nguồn nước ô nhiễm được lọc qua thiết bị này có thể giữ được những khoáng chất cần thiết với hàm lượng có lợi cho cơ thể. Hơn nữa, chất lượng nước sạch hoàn toàn và có thể uống trực tiếp.

Thiết bị lọc dựa trên 3 hệ thống gồm: Công nghệ hấp phụ chọn lọc; Công nghệ xử lý amoni, các chất hữu cơ; Công nghệ diệt khuẩn bằng nano bạc. Máy có thể tái tạo gần 10 lít nước tinh khiết sau một giờ đồng hồ lọc. Ngoài ra, nó không cần phải sử dụng điện năng và rất thân thiện với môi trường vì có chu trình khép kín không thải nước độc ra môi trường.

Chính vì vậy, nếu công trình nghiên cứu này phát triển rộng rãi sẽ giúp việc tái sử dụng nước trở nên hiệu quả hơn. Đồng thời, góp phần đa dạng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng cho ngành cấp nước, vừa tận dụng nguồn tài nguyên nước ngọt.

Tường Vy (TH)

Tường Vy (TH)