Từ năm 2020, bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc
Y tế - Ngày đăng : 07:00, 23/12/2019
Thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc điều trị chữa bệnh, tuy nhiên thuốc có những tác dụng phụ, nếu sử dụng không đúng cách hoặc tự ý sử dụng sẽ gây ra những hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như kéo dài thời gian điều trị, gia tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân, tăng chi phí điều trị, đặc biệt là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.
Hiện nay, vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động, nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Một trong các nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các cơ sở bán lẻ thuốc ở vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn).
Quyết định 4041/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.
Tình trạng bán thuốc kháng sinh tràn lan đang diễn ra
Một trong những mục tiêu trọng điểm mà Đề án hướng đến chính là tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú và tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc.
Tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường vẫn liên tục xuất hiện. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.
Do đó, việc quy định các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc. Vì vậy, các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý. Bộ Y tế đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dược quốc gia và tiếp tục hoàn thiện cổng tra cứu thuốc.
Toàn bộ dữ liệu thuốc được chuẩn hóa đầy đủ thông tin về sản phẩm như số đăng ký, nhà sản xuất, quy cách đóng gói, công dụng, liều dùng, cách dùng, giá thuốc… sẽ được đăng tại cổng tra cứu thuốc. Dự kiến đến năm 2020, 100% việc mua thuốc kháng sinh phải có đơn tại quầy, nhà thuốc.
Ngọc Linh (t/h)