32,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH
Y tế - Ngày đăng : 09:30, 29/12/2019
Năm 2019, ngành LĐ-TBXH hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt: tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%.
BHXH Việt Nam ngày 28-12 cho biết năm 2019 cả nước có trên 15,1 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 551.000 người, tăng 281.000 người so với năm 2018.
Ảnh minh họa
Đây là con số ấn tượng, có sự gia tăng đột biến bởi chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này từ năm 2008 đến năm 2018. Ngoài ra, có trên 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm trên 27% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hiện vẫn còn khoảng 30 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, việc vận động người dân tham gia đang còn không ít khó khăn, thách thức do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người lao động tự do có mức thu nhập thấp, bấp bênh trong khi thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm)… Mặc dù số nợ BHXH, BHYT, BHTN có giảm nhưng vẫn tồn tại tình trạng nợ không còn khả năng thu hồi, nợ tại các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn….
Theo chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 là 33,9% và 35,6% vào năm 2021. Về phát triển BHTN tỉ lệ bao phủ so với lực lượng lao động toàn quốc lần lượt cho các năm 2019, 2020, 2021 là: 27,3%; 28,6% và 29,8%.
Thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT cho trên 2,9 triệu đối tượng bảo trợ xã hội. Theo dõi sát tình hình thiên tai, dịch bệnh; tổ chức thực hiện công tác cứu trợ đột xuất đầy đủ, kịp thời. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi, trợ giúp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội, huy động nhiều nguồn lực trợ giúp những người thiệt thòi, yếu thế, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn, vươn lên hoà nhập cộng đồng; tổ chức tốt công tác trợ giúp đối tượng tại cộng đồng. Ước thực hiện 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng đạt 84%.
Đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhằm thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em. Thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Tích cực huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội để trợ giúp cho trẻ em, trong năm Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt nam đã vận động được 188,2 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho 128.007 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hỗ trợ trên 113 tỷ đồng. Đến nay có 70% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.
Minh Anh (t/h)