Nguy cơ sức khỏe từ thực phẩm chế biến sẵn
Y tế - Ngày đăng : 07:35, 24/12/2019
Tại Việt Nam thường các sản phẩm chế biến sẵn trên thị trường có nguồn gốc từ các chuỗi công ty thực phẩm trong nước và ngoài nước (các thực phẩm đóng hộp, bao gói với hạn sử dụng dài, hoặc từ các chuỗi cửa hàng bán sẵn- fast food-thực phẩm ăn ngay) và từ các nguồn sản xuất cá nhân riêng lẻ với các món ăn phổ biến và truyền thống (bánh chưng, giò, chả, ruốc, bánh mỳ, dưa chua…) với hạn sử dụng tương đối ngắn.
Thực phẩm được bảo quản theo cách tự nhiên hoặc dùng các hoá chất bảo quản cho thực phẩm (phụ gia thực phẩm) nhằm kéo dài hạn sử dụng, duy trì hình thức, độ tươi ngon và đặc tính tự nhiên của thực phẩm. Đôi khi chất phụ gia cũng được sử dụng để có được một tính chất mong muốn nào đó, như cho sản phẩm được dai, giòn, có màu sắc hay mùi vị thích hợp.
Ảnh minh họa
Combo gà rán, khoai tây chiên và nước ngọt có gas là lựa chọn hàng đầu được các bạn nhỏ khi được cha mẹ cho đi ăn ở ngoài. Tuy nhiên, giống như tất cả các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nếu sử dụng lâu dài, sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.
Mặc dù các bác sĩ không ngừng khuyến cáo về tác hại của việc thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, tuy nhiên, sở thích này vẫn phổ biến và thịnh hành. Không chỉ trẻ nhỏ mê thức ăn nhanh mà nhiều người lớn cũng “nghiện” gà rán, khoai tây chiên và nước ngọt có gas… Do vậy, để bảo vệ sức khỏe của trẻ, đảm bảo sự phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, các bậc cha mẹ có vai trò quan trọng xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho các con. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, phụ huynh vẫn có thể thỉnh thoảng cho trẻ ăn thức ăn nhanh nhưng bữa ăn truyền thống quan trọng nhất cho sức khỏe của mọi thành viên trong gia đình.
Ngộ độc thực phẩm
Với các món ăn truyền thống, các phương thức chế biến cũng như bảo quản thường sử dụng các cách từ lâu đời, tương đối phổ biến và dễ sử dụng. Gần đây, việc chế biến các thực phẩm truyền thống ngoài mục đích dùng trong gia đình còn kinh doanh (bán). Bởi vậy hình thức và hạn sử dụng của các thực phẩm này càng ngày càng được coi trọng hơn giá trị dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Như vậy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ngoài mối nguy từ những vi sinh vật có hại, còn có mối nguy về việc chưa kiểm soát chặt chẽ về loại cũng như hàm lượng các chất được đưa vào trong quá trình chế biến nhằm giữ cho thực phẩm được sử dụng lâu, có vẻ ngoài tươi ngon và giúp tiêu thụ dễ dàng trên thị trường.
Mắc bệnh mạn tính không lây nhiễm: Đối với các thực phẩm phổ biến như dưa chua, cà muối, kiệu muối, mứt… phương thức bảo quản theo cách tự nhiên thường được dùng là muối, đường, rượu, giấm… Ngoài ra, một số thực phẩm còn bảo quản bằng cách hun khói như thịt hun khói… Tuy nhiên hàm lượng muối cao trong thực phẩm chế biến sẵn hay việc tiêu thụ lượng muối cao trong chế độ ăn được coi là làm tăng nguy cơ dẫn tới các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, tăng huyết áp… đang là gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Gây ra bệnh nguy hiểm
Nitrite được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế biến thịt nhờ khả năng dậy màu, mùi cho sản phẩm. Sử dụng với mức độ cho phép, nitrite có thể ức chế sự tạo thành độc tố của clostridium botulium có thể có trong thịt xông khói, thịt quay. Tuy nhiên, ở hàm lượng cao, đây lại là chất độc cho cơ thể người. Loại chất này dễ tác dụng với các amin tạo thành nitrosamines với hàm lượng cao, cơ thể không kịp đào thải, hợp chất này tích tụ trong gan có thể gây hiện tượng nhiễm độc, ung thư gan, dạ dày.
Gây bệnh loãng xương
Một chất phụ gia thực phẩm thường được sử dụng trong chế biến giò chả, xúc xích là polyphosphate, có khả năng giúp tăng nhũ hoá, tạo gel kết dính, tạo độ giòn dai. Việc lạm dụng sẽ làm giảm khả năng hấp thu canxi, dẫn đến bệnh loãng xương, nhất là đối với người lớn tuổi. Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để đưa ra các phụ gia thay thế khác có tính an toàn cao hơn được sử dụng dễ dàng trong quá trình chế biến.
Minh Anh (t/h)