Trung Quốc: Tự điều chế thuốc điều trị Alzheimer từ tảo nâu
Y tế - Ngày đăng : 00:00, 01/01/2020
Đây là thành quả từ nỗ lực nghiên cứu trong suốt hơn 20 năm qua của các nhà khoa học Trung Quốc. Theo đó, thuốc GV-971 chiết xuất từ tảo nâu được phát triển bởi Đại học Đại dương Trung Quốc và Công ty Dược phẩm Green Valley. Có gần 1.200 người đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 kéo dài 36 tuần cho thấy, loại thuốc này có thể cải thiện khả năng nhận thức ở những bệnh nhân bị Alzheimer từ nhẹ đến trung bình.
Giáo sư Zhang Zhenzin, Bệnh viện Đại học Y Bắc Kinh, cho biết: “Sự cải thiện rõ ràng nhất có thể nhận thấy là khả năng làm việc hàng ngày, cảm xúc và nhận thức của bệnh nhân. Trong đó, tiến bộ rõ rệt nhất là trí nhớ, cảm nhận về hướng, không gian, phân tích và phán đoán”.
4 loại thuốc hiện đang có sẵn để điều trị AD và tất cả đã được phê duyệt hơn một thập kỷ trước. Trong số này, hàng đầu là các chất ức chế acetylcholinesterase (AChE) như: donepezil, rivastigmine và galantamine. Những loại thuốc này làm tăng nồng độ acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, chịu trách nhiệm về trí nhớ và chức năng nhận thức của não bằng cách ngăn chặn sự phân hủy enzym của acetylcholine.
Các nhà nghiên cứu cho biết loại thuốc này được phát triển dựa trên cơ chế dược lý mới.
Bà Geng MeiYu, Viện Nghiên cứu y học Thượng Hải, nói: “Thuốc sẽ điều chỉnh lại sự xáo trộn của hệ vi khuẩn đường ruột, ức chế viêm ngoại biên và sau đó là viêm não, trước khi nó phát huy tác dụng chống mất trí nhớ”.
Theo các nhà phân tích, trong số khoảng 50 triệu ca mất trí nhớ trên toàn thế giới, có 60% – 70% là mắc bệnh Alzheimer và Oligomannate có thể trở thành một trong những loại thuốc bán chạy nhất trên toàn cầu.
Thuốc được bán rộng rãi tại các nhà thuốc ở Trung Quốc với giá khoảng 130 USD/hộp gồm 42 viên con nhộng. Được biết, trên thế giới hiện có khoảng 48 triệu người bị ảnh hưởng bởi chứng mất trí nhớ Alzheimer.
Như vậy, cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị làm đảo ngược quá trình của bệnh Alzheimer nhưng có thể làm chậm tiến triển bệnh.Vì vậy, khi có các dấu hiệu như: suy giảm trí nhớ; khó tập trung; lẫn lộn không gian, thời gian; rối loạn ngôn ngữ, lời nói hoặc chữ viết; chậm phán quyết công việc hoặc tương tác xã hội; thay đổi tâm trạng hoặc tính cách… người bệnh cần đi khám để có điều trị phù hợp.
Ngọc Linh (t/h)