Các bệnh thường gặp khi trời lạnh và cách phòng tránh
Y tế - Ngày đăng : 10:30, 02/02/2020
Mùa lạnh, ngoài cảm giác lạnh buốt luôn khiến chúng ta cảm thấy vô cùng khó chịu và mệt mỏi, thì nó còn kéo theo đó là cơ thể dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như cảm lạnh, cảm cúm….để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cùng tìm hiểu những căn bệnh dễ mắc khi trời lạnh dưới đây và cách tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nhé!
1. Cảm lạnh
Bạn có thể phòng chống cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên. Cách này sẽ giúp tiêu diệt vi trùng ở tay sau khi bạn tiếp xúc với bề mặt của một số vật dụng như công tắc điện và tay nắm cửa.
Ngoài ra, việc dọn dẹp nhà cửa và rửa sạch những loại vật dụng gia đình như cốc chén, bát đũa rất quan trọng, nhất là khi trong gia đình có ai đó bị ốm.
2. Viêm họng
Viêm họng là căn bệnh phổ biến vào mùa đông và hầu hết bị gây ra do nhiễm virus. Một số bằng chứng chỉ ra rằng, sự thay đổi nhiệt độ, chẳng hạn như khi bạn đi từ một căn phòng ấm cúng ra ngoài trời lạnh giá, có thể gây viêm họng.
Một cách nhanh chóng và dễ thực hiện để chữa viêm họng là súc miệng bằng nước muối ấm. Hãy pha một thìa muối vào một cốc nước ấm và súc miệng đều đặn hàng ngày, bạn sẽ thấy hiệu quả.
Cảm lạnh căn bệnh phổ biến vào mùa đông
3. Bệnh hen, suyễn
Thời tiết lạnh là nguyên nhân chủ yếu gây ra những triệu chứng của bệnh hen, suyễn như khó thở. Những người bị hen, suyễn đặc biệt phải chú ý giữ sức khỏe vào mùa đông.
Trong những ngày lạnh giá, bạn nên ở trong nhà thì tốt hơn. Nếu phải ra ngoài, hãy quàng một chiếc khăn qua mũi và miệng để giữ ấm.
4. Norovirus
Norovirus là tên của một nhóm virus thường gây ra dịch viêm đường ruột do virus. Các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột trong vòng 12 – 48 giờ sau khi phơi nhiễm với norovirus. Đa số mọi người sẽ khỏe lại trong vòng một hoặc hai ngày và bệnh không có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, mặc dù khi bệnh, người bệnh bị mất nước và có thể phải nhập viện. Bệnh này có thể gặp quanh năm nhưng phổ biến hơn vào mùa đông và những nơi như khách sạn hay trường học. Trẻ nhỏ và người già là nhóm có nguy cơ mắc bệnh này nhất.
Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy thì việc quan trọng đầu tiên là phải bổ sung nhiều nước để ngăn chặn sự mất nước.
5. Đau khớp
Nhiều bệnh nhân viêm khớp cho biết, các khớp của họ trở nên đau nhức hơn vào mùa đông. Trong trường hợp này, việc tập thể dục thường xuyên mỗi ngày sẽ tốt cho sức khỏe của bạn.
6. Hạ thân nhiệt
Những người dễ bị hạ thân nhiệt nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có thói quen uống rượu. Khi bị hạ thân nhiệt, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đầu óc mơ hồ và xuất hiện những đợt rùng mình không kiểm soát. Tới khi không cảm thấy lạnh nữa, da của họ đã tái xanh, đồng tử giãn ra và không còn tỉnh táo nữa.
Theo các chuyên gia, nên tìm các biện pháp can thiệp kịp thời trong giai đoạn đầu của hạ thân nhiệt, trước khi các triệu chứng trở nặng hơn. Cách tốt nhất để giúp những người bị hạ thân nhiệt là quấn chăn xung quanh người cho tới khi cơ thể họ ấm trở lại.
7. Đau tim
Bệnh đau tim thường gặp vào mùa đông. Đó có thể là do thời tiết lạnh làm tăng huyết áp và áp lực lên tim. Tim phải làm việc vất vả hơn đến giữ ấm cho cơ thể.
Trong trường hợp này, bạn nên duy trì nhiệt độ phòng vào khoảng 21 độ C, luôn giữ ấm cho cơ thể khi đi ngủ hay khi ra ngoài, luôn đội mũ, quàng khăn và đeo găng tay.
8. Tê cóng
Vùng trên cơ thể dễ bị tê cóng, nhất là khi tiếp xúc với không khí lạnh là mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân. Khi bị tê cóng, da và các mô tế bào dưới da dễ bị tổn hại, trong một số trường hợp có thể gây hoại tử.
Theo Tiến sĩ Jeffrey Sankoff tại Trung tâm y tế Denver (Mỹ), triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là cảm giác đau và da tái nhợt. Khi đã mất hoàn toàn cảm giác và vùng bị tê không còn đau nữa thì bệnh đã chuyển sang mức nghiêm trọng.
Vùng trên cơ thể dễ bị tê cóng, nhất là khi tiếp xúc với không khí lạnh là mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân
Khi bị tê cóng, không nên chà xát vào vùng bị tê bởi như thế sẽ làm tăng mức độ tổn hại. Ngoài ra, không để vùng bị tê tiếp xúc trực tiếp với nhiệt như nước nóng bởi nước nóng có thể đốt cháy vùng da và các mô đã bị tổn hại.
Thay vào đó, nên ngâm vùng bị tê vào nước ở nhiệt độ thường. Nên đi khám khi vùng bị tê bắt đầu rộp hoặc chuyển sang màu đen.
Cách phòng tránh tê cóng tốt nhất vẫn là mặc đủ ấm khi ra ngoài trời lạnh.
9. Da khô
Da khô là chứng bệnh thường gặp và trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông, khi độ ẩm môi trường thấp.
Do vậy, việc dưỡng ẩm cho da là rất cần thiết. Thời điểm tốt nhất để bôi chất dưỡng ẩm lên da là sau tắm khi da vẫn còn ẩm và bôi thêm lần nữa khi đi ngủ. Ngoài ra, bạn nên nhớ tắm nước ấm thay vì nước quá nóng. Bởi nước quá nóng sẽ khiến da khô và gây ngứa da.
10. Cúm
Cúm là căn bệnh nhiều người gặp phải, nhất là những người ở độ tuổi từ 65 trở lên và người bị tiểu đường, thận.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa cảm cúm là sử dụng vacxin phòng cúm (hoặc thuốc xịt mũi cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi).
Cách bảo vệ sức khỏe khi giao mùa
Để phòng tránh bệnh tật khi chuyển mùa, tăng sức đề kháng cho cơ thể, chúng ta nên hoạt động ngoài trời nhiều hơn, uống nước thường xuyên và bổ sung vitamin C giúp ngăn ngừa cảm cúm, ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm, vitamin A, tạo thói quen vệ sinh cá nhân và chăm sóc răng miệng tốt. Ngủ đúng giờ, đủ giấc là một cách tốt nhất để phòng bệnh giao mùa.
Đối với các bệnh lý liên quan đến Tai Mũi Họng có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để làm vệ sinh mũi và dụng cụ hút mũi cho trẻ khi bé bị sổ mũi. Khi thời tiết giao mùa nên giữ đủ ấm cho trẻ, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ và tay chân.
Ngoài thay đổi lối sống lành mạnh như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, năng tập thể dục, cần kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu và đường máu thông qua việc kiểm tra sức khỏe 6-12 tháng/lần.
Minh An (t/h)