Kiên Giang: Một số khó khăn trong công tác phòng chống dịch nCoV
Y tế - Ngày đăng : 02:40, 10/02/2020
Tại báo cáo số 235, ngày 7/2, Sở y tế tỉnh cho biết trong công tác phòng chống dịch vi rút Corona hiện ngành y tế của tỉnh thiếu phương tiện chuyên dụng để vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên. Các Trung tâm y tế tuyến huyện chỉ đủ năng lực thu dung, điều trị các trường hợp nhẹ và trung bình, những trường hợp nặng phải chuyển lên Bệnh biện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.
Cơ sở hạ tầng BVĐK tỉnh chỉ đảm bảo thu dung điều trị cho khoảng 5 đến 10 bệnh nhân xác định dương tính với nCoV. Khi quá tải phải chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh theo phân tuyến của Bộ Y tế. Do đó, rất cần thiết bố trí 02 xe cứu thương chuyên dụng, 01 chiếc cho BVĐK tỉnh đi nhận bệnh từ các địa phương trong đất liền và chuyển bệnh đi TpHCM; 01 chiếc cho Trung tâm y tế huyện Phú Quốc.
Kiểm tra thân nhiệt du khách trước khi nhập cảnh
Cùng với đó, ngành y tế còn thiếu thiết bị y tế cho đơn vị cách ly theo quy định của Bộ y tế. Ngày 01/02/2020 Bộ y tế ban hành Công văn số 104/KCB-NV về việc đảm bảo trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho đơn vị cách ly điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Trong đó quy định danh mục thiết bị y tế thuộc vật tư tiêu hao cho đơn vị điều trị cách ly. Đối chiếu với quy định này các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn còn thiếu rất nhiều thiết bị như: Máy thở chức năng cao, máy thở cao tầng, máy X quang di động, máy siêu âm Doppler từ 3 đầu dò trở lên, bơm tiêm điện, máy truyền dịch,…
Đồng thời, nhu cầu sử dụng hóa chất tiêu độc, khử trùng, khẩu trang y tế vượt quá khả năng cung cấp. Hiện nay nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong cộng đồng là rất lớn, trong khi khả năng cung cấp của các doanh nghiệp, nhà sản xuất bị hạn chế vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Nhu cầu sử dụng hóa chất tiêu độc, khử trùng của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng nhiều, trong khi lượng dự trữ của ngành y tế cũng không nhiều. Nếu trong giai đoạn hiện nay khi chưa có dịch xâm nhập đem ra sử dụng hết thì cũng không còn khi cần thiết vì hóa chất cũng rất khó mua.
Do đó, để khắc phục khó khăn, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm đáp ứng tình hình dịch, bệnh, Sở y tế yêu cầu các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, kể cả y tế ngành, cơ quan, đơn vị, khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn về công tác sàng lọc, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn cho tất cả công chức, viên chức, người lao động. Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra cho người dân tránh gây hoang mang, lo lắng, hoảng loạn.
Bệnh viện BVĐK tỉnh nơi thu dung điều trị cho bệnh nhân xác định dương tính với nCoV.
Song song với đó, 27 Đội thường trực cơ động phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) của ngành y tế chuẩn bị tư thế sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh khi có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu và điều phối của Ban Chỉ đạo viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona tỉnh.
Thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh để người dân không chủ quan nhưng cũng không nên hoang mang, lo lắng, hoảng loạn làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày. Đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế huyện Phú Quốc, Giang Thành và thành phố Hà Tiên.
Tăng cường giám sát chặt chẽ tại Cảng hàng không Phú Quốc, Rạch Sỏi; bến tàu Rạch Giá, Phú Quốc và Hà Tiên. Cửa khẩu Giang Thành, Hà Tiên thực hiện nghiêm túc việc ghi tờ khai y tế đối với các hành khách đến từ vùng dịch. Nếu có hành khách có triệu chứng rõ rệt, chuyển ngay về Trung tâm y tế để thực hiện điều trị, thực hiện xét nghiệm theo quy trình Bộ Y tế hướng dẫn. Nếu có các triệu chứng chưa rõ ràng, hướng dẫn khách đến khách sạn hoặc nơi đăng ký cư trú, đồng thời báo cơ quan y tế địa phương đến tổ chức giám sát trong vòng 14 ngày theo đúng quy định.
Các bệnh viện, Trung tâm y tế huyện phải nghiêm túc triển khai khu cách ly điều trị theo 3 đơn nguyên (khu vực quản lý bệnh nhân nghi ngờ, khu vực chăm sóc bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định và khu vực lưu giữ bệnh nhân trước khi xuất viện), bố trí theo nguyên tắc một chiều theo quy định của Bộ Y tế, có biển báo và chỉ dẫn rõ ràng; thực hiện quy trình khám và điều trị bệnh nhân có triệu chứng; viêm đường hô hấp cấp tính, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Tp.HCM theo quy định của Bộ Y tế.
Nếu bệnh nhân diễn tiến nặng hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút nCoV, các cơ sở điều trị sẽ chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM theo sự chỉ đạo của Sở Y tế, Bộ Y tế. Tại khoa khám bệnh bố trí bàn hướng dẫn, sàng lọc người bệnh; khu vực chờ, phòng khám riêng cho người bệnh nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp do nCoV có biển báo và chỉ dẫn rõ ràng.
Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, Sở Y tế chọn Bệnh viện lao và bệnh phổi và Bệnh viện Tâm thần tỉnh làm cơ sở thu dung, quản lý người bệnh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ ngành Trung ương; chủ động, phối hợp tốt với ngành y tế trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh; báo cáo kịp thời về tình hình phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona về UBND tỉnh và Sở Y tế theo đúng quy định.
Trương Anh Sáng