WHO cảnh báo nguy cơ thiếu hụt thuốc kháng sinh trên toàn thế giới
Y tế - Ngày đăng : 06:00, 19/02/2020
Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp cho loài người trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Nhờ có thuốc kháng sinh mà chúng ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay con người đang sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn…
Thuốc kháng sinh được phát minh vào những năm 1920. Thuốc kháng sinh đã cứu hàng chục triệu mạng sống bằng cách đánh bại các căn bệnh do vi khuẩn gây ra như viêm phổi, lao phổi và viêm màng não.
Để chống lại sức đề kháng của vi khuẩn với những loại thuốc kháng sinh đã biết, con người cần đến những loại kháng sinh mới. Tuy nhiên, đối với các công ty dược, việc phát triển các loại thuốc mới rất phức tạp, tốn kém và không thu nhiều lợi nhuận.
Theo các báo cáo của WHO, hiện có khoảng 60 loại thuốc mới đang được phát triển nhưng chỉ “có 2 loại thuốc trị được loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất hiện nay”. Các loại khác đều đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Liên quan tới tình hình cạn kiệt thuốc kháng sinh, trước đó tờ The New York Times (Mỹ) cho biết, nguyên nhân của việc cạn kiệt thuốc kháng sinh là do tương lai tài chính u ám của một số công ty nghiên cứu kháng sinh đang khiến các nhà đầu tư tránh xa và đe dọa sự phát triển của các loại thuốc cấp cứu mới vào thời điểm cấp thiết như lúc này.
Ảnh Minh họa
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các loại thuốc kháng sinh mới đe dọa những nỗ lực kiềm chế sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.
Các startup dược chuyên sản xuất thuốc kháng sinh như Achaogen hay Aradigm đã tuyên bố phá sản trong những tháng gần đây. Trong khi đó, những gã khổng lồ trong ngành như Novartis hay Allergan đã rời bỏ lĩnh vực này, còn các công ty kháng sinh khác của Mỹ cũng đang phải vật lộn với viễn cảnh không mấy sáng sủa.
Những chuyên gia trong ngành cho biết tình trạng này xảy ra do khả năng sinh lời của thuốc kháng sinh mới rất kém, khiến các nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với thị trường. Và cuối cùng, điều này dẫn tới một tương lai u ám khi những loại thuốc kháng sinh mới không được phát triển, còn tình trạng kháng thuốc thì ngày càng nghiêm trọng hơn.
Tiến sĩ Helen Boucher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, thành viên hội đồng tư vấn tổng thống về ngăn ngừa vi khuẩn kháng kháng sinh cho biết, đây là một cuộc khủng hoảng mà ai cũng nên thấy lo lắng.
Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, tình trạng kháng thuốc gây ra 35.000 cái chết/năm ở Mỹ, và khiến 2,8 triệu người khác bị ảnh hưởng sức khoẻ. Nếu không có phương pháp chữa trị mới, Liên Hợp Quốc dự báo tình trạng này có thể khiến 10 triệu người thiệt mạng vào năm 2050.
Chi phí để phát triển một dòng thuốc kháng sinh mới có thể lên tới 2,6 tỷ USD. Nhưng theo quy định trong ngành dược, công thức chế tạo một loại thuốc sẽ được công bố miễn phí sau một khoảng thời gian nhất định, và các công ty đơn giản là không có đủ thời gian để thu về chi phí đầu tư.
Ngọc Linh (t/h)