Ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ toàn bộ dân số trên Trái Đất
Y tế - Ngày đăng : 04:34, 04/03/2020
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cardiovascular Research ngày 3/3, các nhà khoa học cảnh báo “đại dịch” ô nhiễm không khí làm giảm gần 3 năm tuổi thọ trung bình của con người, đồng thời là nguyên nhân khiến 8,8 triệu người chết yểu mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas đã xem xét ô nhiễm chất dạng hạt PM2.5 trên toàn cầu. Chất dạng hạt nhỏ hơn 2,5 micron có thể bị hít sâu vào phổi. Loại ô nhiễm không khí này đã được cho là nguyên nhân dẫn đến một số loại bệnh của con bao gồm bệnh phổi, bệnh tim, đột quỵ và ung thư.
Khói từ các nhà máy, ống xả xe, các vụ cháy rừng và nhiều hơn nữa góp phần gây ra ô nhiễm chất dạng hạt PM2.5. Các nhà nghiên cứu đã xem xét việc tiếp xúc với chất dạng hạt PM2.5 ở 185 quốc gia. Bằng cách đánh giá, đo lường mối liên hệ giữa lượng phát thải hạt và tuổi thọ ở mỗi quốc gia, các nhà nghiên cứu đã có thể ước tính ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên tuổi thọ toàn cầu.
Ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ toàn cầu
Kết quả cho thấy, so với các nguyên nhân gây chết yểu khác, ô nhiễm không khí là thủ phạm khiến số ca tử vong mỗi năm cao gấp 19 lần so với bệnh sốt rét, gấp 9 lần so với HIV/AIDS.
Những người mắc bệnh mạch vành và đột quỵ chiếm gần 50% trong tổng số ca chết yểu do ô nhiễm. Bệnh phổi và các bệnh không truyền nhiễm khác, như cao huyết áp, tiểu đường chiếm hầu hết trong 50% còn lại. Chỉ có 6% các ca chết yểu do ô nhiễm liên quan tới ung thư phổi.
>>> Xem thêm: Ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ ở trẻ em
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm không khí là châu Á. Chỉ riêng ở Trung Quốc, tuổi thọ trung bình của người dân giảm 4,1 năm. Tại Ấn Độ và Pakistan, con số này lần lượt là 3,9 và 3,8 năm.
Tại một số khu vực thuộc các quốc gia trên, không khí độc hại làm giảm tuổi thọ hơn nữa. Tại bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, nơi sinh sống của 200 triệu dân, ô nhiễm bụi mịn làm giảm tới 8,5 năm tuổi thọ của người dân, trong khi tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc (với 74 triệu dân), con số này là gần 6 năm.
Tại châu Phi, tuổi thọ trung bình của người dân giảm khoảng 3,1 năm. Cá biệt ở một số quốc gia như Chad, Sierra Leone, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Cote d’Ivoire, con số này dao động từ 4,5 đến 7,3 năm.
Trong nhóm các nước thịnh vượng hơn, Bulgaria, Hungary và Romania ghi nhận số ca tử vong do ô nhiễm không khí ở mức cao nhất. Các khu vực ít chịu tác động nhất trên thế giới là Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu và các đảo quốc nhỏ.
Trên quy mô toàn cầu, con số 8,8 triệu người chết yểu vì ô nhiễm không khí ngoài trời cao gấp đôi so với ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Riêng tại Trung Quốc, các thống kê được điều chỉnh mới đây cho thấy số ca chết yểu mỗi năm do nguyên nhân này cũng lên tới 2,8 triệu người, tăng gấp 2,5 lần so với ước tính của WHO.
Nhà hóa học Jos Lelieveld thuộc Viện Max Planck, tác giả của công trình nghiên cứu, nhấn mạnh ô nhiễm không khí có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn hơn nhiều so với việc hút thuốc lá.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy tác động của ô nhiễm không khí đối với khí hậu và sức khỏe con người có thể khác nhau giữa các vùng vì vậy các nhà khoa học khí hậu và các nhà hoạch định chính sách cần tính đến những sự thay đổi này.
Nghiên cứu cũng đã xác nhận rằng các quy định về môi trường có thể làm giảm đáng kể ô nhiễm không khí, cải thiện kết quả sức khỏe con người.
Ngọc Linh (t/h)