Trung Quốc: Phát hiện SARS-CoV-2 tiến hóa thành 2 chủng

Y tế - Ngày đăng : 08:00, 05/03/2020

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra mẫu virus SARS-CoV-2 và phát hiện virus corona đã tiến hóa thành 2 chủng khác nhau về đặc tính lây lan và phân bổ địa lý.

Các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu về nguồn gốc bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho biết đã phát hiện 2 loại chính của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra căn bệnh này.

Nghiên cứu cho thấy, virus này đã tiến hóa thành 2 kiểu gen phụ (subtype) L và S. 101 bộ gen thuộc 2 kiểu gen này, trong đó 70% là chủng L, 30% còn lại là chủng S. Căn cứ vào phương thức tiến hóa của virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học cho rằng, hai chủng này có thể có những khác biệt lớn cả về khả năng lây nhiễm và mức độ trầm trọng khi gây bệnh.

Sự khác biệt ấy còn thể hiện ở phân bố địa lý và tỷ lệ gây bệnh trong từng nhóm người, trong đó chủng L có khả năng xâm nhập và lây lan mạnh hơn.

Qua so sánh với các chủng virus corona khác, tác giả phát hiện chủng S của SARS-CoV-2 gần với virus corona có nguồn gốc từ dơi hơn và kết luận chủng này “cổ xưa” hơn. Trong khi chủng L phổ biến hơn trong thời kỳ đầu dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán.

Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện 2 chủng virus corona

Tuy nhiên, kể từ sau thời điểm đầu tháng 1/2020, tần xuất phát bệnh của chủng L giảm bớt. Với những phát hiện này, tác giả cho rằng, sự can thiệp của con người có thể đã tạo ra áp lực ngăn sự lây lan của chủng virus này. Nếu không có những can thiệp này, chủng L có thể sẽ xâm nhập mạnh hơn và phát tán nhanh hơn.

>>> Xem thêm: Chưa có cơ sở khoa học chứng minh nCoV sẽ suy yếu vào mùa hè

Các nhà nghiên cứu lưu ý họ mới tiến hành phân tích một vùng dữ liệu hạn chế và sẽ tiếp tục phân tích vùng dữ liệu rộng hơn để hiểu rõ về sự phát triển của virus SARS-CoV-2.

Những phát hiện trên cũng cho thấy tính cấp thiết của việc tiến hành thêm các nghiên cứu toàn diện, kết hợp dữ liệu về gene, dữ liệu dịch tễ học và các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Công trình do các nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh và Viện Pasteur của Thượng Hải thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc thực hiện.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố ngày 3/3 trên tạp chí National Science Review của viện này.

Ngọc Linh (t/h)

Ngọc Linh (t/h)