Phòng dịch Covid-19: Tầm quan trọng của rửa tay đúng cách với xà phòng
Y tế - Ngày đăng : 01:00, 21/03/2020
Rửa tay với nước không chưa đủ đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Bởi nước chỉ làm trôi những vết bẩn nhìn thấy được nhưng không diệt được virus, vi khuẩn. Bàn tay sau khi rửa với nước không vẫn chứa nhiều mầm bệnh. Trong đó có các bệnh về đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính như SARS, Cúm A (H5N1, H1N1)…
Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, các cơ quan chuyên môn về y tế quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã lập tức đưa ra khuyến nghị là mọi người nên rửa tay với xà phòng và nước để ngăn ngừa bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Vậy, xà phòng loại thông thường có tác dụng như thế nào trong việc tiêu diệt các loại virus, trong đó có SARS-CoV-2?
Giáo sư Palli Thordarson ở Đại học New South Wales (Úc) đã giải thích về sự hữu hiệu của xà phòng thông thường trong việc “bất hoạt” (inactive) virus.
Từ “bất hoạt” đang được y giới sử dụng rộng rải để chỉ sự vô hiệu hóa hoạt động của virus. Lý do là đa số không xem virus là một sinh vật có sự sống hoàn chỉnh, vì virus không có khả năng tự sinh sản và hấp thụ năng lượng để sống sót (virus phải có vật chủ mới có thể duy trì sự tồn tại của nó).
Giáo sư Thordarson giải thích về cơ chế hoạt động của xà phòng trong việc bất hoạt virus SARS-CoV-2 như sau:
Xà phòng kết hợp với nước sẽ phá hoại cấu trúc của virus, giống như việc rút một lá bài của một tòa nhà xếp bằng những lá bài. Điều này sẽ làm cả tòa nhà bị đổ sập.
Cấu tạo của virus SARS-CoV-2 gồm những phân tử chất béo lipid, protein và RNA. Trong đó, mắt xích yếu nhất là các phân tử chất béo, đây là lớp vỏ bọc bảo vệ của con virus, vừa hỗ trợ sự xâm nhập của virus vào các tế bào cơ thể.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rửa tay với xà phòng để ngừa COVID-19 – Ảnh: REUTERS
Khi dùng xà phòng và nước rửa tay, vì xà phòng có chứa các thành phần phân tử giống chất béo gọi là chất “lưỡng phần” (amphiphile). Chất lưỡng phần có cấu trúc tương tự như chất béo lipid của virus, và sẽ “cạnh tranh” với các các lipid của virus.
Song song đó, chất này còn có tác dụng “hòa tan” các liên kết phi hóa trị (non-covalent bond) của virus, các liên kết này chính là “chất keo” giúp liên kết các thành phần phân tử lipid, protein và RNA của virus. Nhờ vậy, phân tử xà phòng sẽ đẩy virus bong tróc khỏi bề mặt da tay và bị sụp đổ cấu trúc, làm con virus bị tiêu diệt.
Giáo sư Thordarson và một số đồng sự cũng nhận xét rằng giải pháp dùng xà phòng và nước để rửa tay tốt hơn so với nước rửa tay khô (hand sanitizer) và cồn y tế. Lý do là nếu dùng các loại sau nếu trong thời gian quá ngắn sẽ không có tác dụng diệt sạch các loại virus như rửa tay bằng xà phòng và nước trong thời gian 20 giây.
Rửa tay không đủ thời gian với xà phòng
Nghiên cứu cho thấy 95% người không rửa tay đủ lâu để tiêu diệt vi trùng hiệu quả. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo nên rửa tay trong 20 giây bằng xà phòng và nước. Nhưng nghiên cứu cho thấy trung bình mọi người chỉ rửa tay khoảng 6 giây.
Không rửa sạch mọi ngóc ngách
Nếu bạn chỉ chà xát xà phòng giữa lòng bàn tay rồi rửa sạch thì có lẽ tay bạn vẫn còn bẩn.
Tiến sĩ Roshini Raj, từ Đại học New York (Mỹ), giải thích mầm bệnh thích ẩn náu dưới móng tay và kẽ giữa các ngón tay, vì vậy bạn nên chà rửa những khu vực này mỗi khi rửa tay.
Không làm khô tay
Việc rửa tay sẽ trở nên vô nghĩa nếu không làm khô tay sau khi rửa.
Vi trùng thích sinh sôi trong độ ẩm. Để tay ướt sẽ dễ bị nhiễm mầm bệnh khi sờ vào các bề mặt khác.
Giữa khăn giấy và máy sấy tay, hãy chọn khăn giấy. Các nghiên cứu đã kết luận rằng khăn giấy có hiệu quả vượt trội hơn so với máy sấy tay.
Nếu phải dùng máy sấy tay, hãy chờ cho đến khi tay khô hoàn toàn.
Chỉ rửa tay sau khi đi vệ sinh
Hầu hết mọi người đều chỉ rửa tay sau khi đi vệ sinh, nhưng bạn nên rửa tay trong suốt cả ngày, đặc biệt là trong mùa lạnh và cúm, tiến sĩ Raj nói.
Hễ chạm vào các nơi công cộng bạn sẽ có nguy cơ nhiễm mầm bệnh hoặc nhiễm khuẩn.
Trong trường hợp không thể rửa tay, hãy đem theo nước sát khuẩn. Nước sát khuẩn phải có nồng độ cồn ít nhất 60% mới có hiệu quả.
Không xả sạch bánh xà phòng trước mỗi lần sử dụng
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, các vi khuẩn gây bệnh có thể sẽ trú ngụ tại các bánh xà phòng trong và sau khi sử dụng. Vi khuẩn khá là thích sống trên bề mặt nhờn của bánh xà phòng, nhưng nếu bạn rửa sạch bánh xà phòng trước khi sử dụng, vi khuẩn sẽ bị rửa trôi.
>>>Xem thêm:Hành khách có được đem gel rửa tay lên máy bay?
Ngoài ra, bạn cũng nên cất bánh xà phòng ở nơi khô ráo, tránh nước, để bánh xà phòng có thể khô giữa những lần sử dụng.
Không rửa tay mà chỉ sử dụng chất khử trùng tay
Nếu chất khử trùng tay là cồn, nó có thể loại bỏ và vô hiệu hóa vi khuẩn một cách hiệu quả.
Nhưng nó có hạn chế, không thể loại bỏ tất cả mầm bệnh hoặc hóa chất gây hại.
Hơn nữa, nhiều người sử dụng chất khử trùng tay sai cách từ việc không sử dụng đủ lượng chất khử trùng đến việc lau sạch trước khi để cho khô.
Rửa tay bằng xà phòng là cách tốt nhất để chống lại mầm bệnh.
Mai An (t/h)