Sếu đầu đỏ quý hiếm bay về Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 09:07, 18/04/2018
(Moitruong.net.vn) – Thời gian gần đây, tại Vườn Quốc gia Lò Giò – Xa Mát (Tây Ninh) xuất hiện một số cá Sếu đầu đỏ dừng chân kiếm thức ăn tại đây.
Sếu đầu đỏ quý hiếm bay về Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát
Ngày 15/4 vừa qua, tại khu vực trảng Tà Nốt thuộc Tiểu khu 17, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (VQG), các nhân viên bảo vệ rừng phát hiện 3 cá thể Sếu đầu đỏ dừng chân kiếm thức ăn ở nơi có nhiều cỏ năng trong khu vực.
Sếu đầu đỏ còn gọi là Sếu cổ trụi, hồng hạc có tên khoa học là Grus antigone, là loài lớn nhất trong họ Sếu và cũng là một trong số các loài chim biết bay cao lớn nhất thế giới. Đây là loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN thế giới, hiện không còn nhiều trong tự nhiên.
Anh Hồ Đắc Long- cán bộ VQG Lò Gò- Xa Mát cho biết, Sếu đầu đỏ là loài chim di cư, chỉ sống ở các vùng đất phèn ngập nước, có cỏ năng, xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô, từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau để kiếm ăn.
Khu vực trảng Tà Nốt chỉ là nơi loài chim này dừng chân và bổ sung thêm thức ăn khoảng 2- 3 ngày trong cuộc hành trình di cư từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tới vùng Đông Bắc Campuchia để sinh sản. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy những sinh cảnh và tài nguyên sinh vật ở VQG Lò Gò – Xa Mát được bảo vệ tốt và ổn định.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc sếu đầu đỏ về VQG Lò Gò- Xa Mát chứng tỏ môi trường thiên nhiên trong khu vực này đang được bảo vệ tốt. Được biết, nơi loài chim này thường về trú ngụ là vùng Tràm Chim – Đồng Tháp Mười.
Linh Lan (T/h)