Mỹ: Thử nghiệm thuốc remdesivir có hiệu quả trên khỉ và bệnh nhân mắc Covid-19
Y tế - Ngày đăng : 01:33, 20/04/2020
Các nhà khoa học Mỹ ngày 17/4 thông báo thuốc thử nghiệm kháng virus remdesivir đã cho thấy tính hiệu quả trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau quá trình thử nghiệm quy mô nhỏ trên khỉ.
Nghiên cứu sơ bộ trên tiến hành theo các quy trình chuẩn được sử dụng để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trong các cuộc thử nghiệm quy mô lớn trên người.
Các nhà khoa học đã cấy virus SARS-CoV-2 lên 2 nhóm mỗi nhóm gồm 6 cá thể khỉ nâu (rhesus macaques) trong phòng thí nghiệm sau đó theo dõi quá trình và kết quả điều trị đối với từng nhóm.
Nhóm 1 được tiếp nhận thuốc remdesivir thử nghiệm do công ty dược phẩm Gilead Sciences Inc (Mỹ) phát triển, trong khi nhóm 2 không được điều trị bằng thuốc này.
Nhóm 1 được tiêm liều thuốc đầu tiên vào tĩnh mạch sau 12 giờ nhiễm virus SARS-CoV-2 và dùng thuốc hằng ngày trong 6 ngày sau đó.
Các nhà khoa học đã tính toán thời gian để việc điều trị ban đầu nhanh chóng đạt hiệu quả trước khi lượng virus tăng lên mức cao nhất trong phổi của khỉ thí nghiệm.
Kết quả cho thấy, nhóm 1 được tiếp nhận thuốc điều trị có dấu hiệu phục hồi đáng kể 12 giờ sau khi tiêm liều đầu tiên.
Chiều hướng này vẫn tiếp tục được duy trì trong nghiên cứu kéo dài một tuần của các nhà khoa học.
Một trong 6 con khỉ thí nghiệm được điều trị có dấu hiệu khó thở nhẹ, trong khi cả 6 con ở nhóm còn lại không được điều trị đều khó thở và thở gấp.
Số lượng virus SARS-CoV-2 trong phổi của nhóm 1 được điều trị thấp hơn đáng kể so với nhóm 2 và nhóm 1 cũng ít tổn thương phổi hơn.
Remdesivir là một trong số các loại thuốc thử nghiệm đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và các cuộc thử nghiệm lâm sàng có liên quan loại thuốc này đang cho thấy những kết quả đáng kể.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Kathleen Mullane tại Đại học Chicago cho biết hầu hết các bệnh nhân nặng được điều trị bằng remdesivir đã được xuất viện trong 6 ngày.
Điều này cho thấy, thời gian điều trị bệnh nhân COVID-19 có thể ít hơn 10 ngày, có thể là 3 ngày.
Tuy vậy, chuyên gia Mullane vẫn cảnh báo không nên rút ra kết luật quá sớm về loại thuốc này.
Ngọc Linh (t/h)