Tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong gia đình cao hơn từ cộng đồng

Y tế - Ngày đăng : 03:33, 25/07/2020

Moitruong.net.vn – Các nhà nguyên cứu Hàn Quốc đã phát hiện khả năng người dân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ chính các thành viên trong gia đình cao hơn so với việc lây nhiễm từ cộng đồng.

Một nghiên cứu được công bố tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 16/7 vừa qua đã phân tích chi tiết 5.706 bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và hơn 59.000 người từng tiếp xúc với các bệnh nhân này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có chưa đầy 2% số người tiếp xúc với bệnh nhân không cùng hộ gia đình đã mắc COVID-19, trong khi gần 12% số người tiếp xúc với các ca bệnh là thành viên cùng nhà đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Xét về khía cạnh tuổi, tỷ lệ lây bệnh thường rơi vào thanh thiếu niên hoặc người trong độ tuổi từ 60-70 trong cùng gia đình cao hơn.

Đồng tác giả công trình nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), Jeong Eun-kyeong, nhận định điều này nhiều khả năng là do các nhóm tuổi trên có thể có tiếp xúc gần với các thành viên trong gia đình nhiều hơn do đây là nhóm tuổi cần được quan tâm, chăm sóc hoặc bảo vệ hơn.

Tiến sỹ Choe Young-june, trợ giảng tại Đại học Y Hallym, nhận định trẻ dưới 9 tuổi ít có khả năng mắc COVID-19 đầu tiên. Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng mẫu bệnh phẩm trẻ em trong độ tuổi này được đưa vào nghiên cứu chỉ là 29, ít hơn rất nhiều so với con số 1.659 người trong độ tuổi từ 20-29 là đối tượng chính của nghiên cứu trên.

Cũng theo Tiến sỹ Choe, trẻ mắc COVID-19 có thể không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như những người trưởng thành và điều này gây khó khăn hơn cho việc xác định các ca đầu tiên mắc bệnh trong nhóm tuổi này.

Ngọc Linh (t/h)

Ngọc Linh (t/h)