Vụ công nhân ngất khi đang làm việc tại KCN Đông Mai: Lỗ hổng trong bảo vệ sức khoẻ người lao động

Y tế - Ngày đăng : 08:30, 17/08/2020

Moitruong.net.vn – Trong ngày 15/8, sáu công nhân Công ty TNHH kỹ thuật điện tử TONLY Việt Nam, trụ sở tại KCN Đông Mai, đang làm việc bỗng dưng ngất xỉu, 39 người khác buồn nôn, khó thở. Vụ việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác bảo vệ sức khoẻ cho người lao động ở các doanh nghiệp.

Cụ thể, ngày 15/8, tại phân xưởng lắp ráp, Công ty TONLY Việt Nam (KCN Đông Mai, phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên) có tổng số 150 người làm việc trên 3 dây chuyền sản xuất.

Đến 10h10, bà Phạm Thị Nga – Tổ trưởng, phát hiện có 6 công nhân đang làm việc bị ngất. Sau khi sự việc xảy ra, Công ty TONLY Việt Nam đã cho dừng dây chuyền sản xuất, đưa 6 công nhân trên đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (TP Uông Bí, Quảng Ninh).

Đến 13h30 cùng ngày, Công ty đưa thêm 34 công nhân đến kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí và 5 công nhân đến kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên do có biểu hiện khó chịu.

Nhiều công nhân bỗng dưng ngất xỉu khi đang làm việc.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Trước đó, cũng tại KCN này, đã xảy ra một số vụ việc tương tự tại một công ty sản xuất dây điện, trong đó ngày 6/7/2018, có tới gần 100 công nhân bị ngất, khó thở và phải nhập viện khẩn cấp.

Ngay sau đó, Sở Y tế Quảng Ninh đã tiến hành quan trắc môi trường tại Cty này và phát hiện ở nhà kho của Cty có khí fomaldehyde ở mức từ 4-5 mg/1m3 không khí (cao gấp 4-5 lần so với tiêu chuẩn cho phép là dưới 1 mg/m3 không khí).

Quảng Ninh đã mời các chuyên gia phòng chống độc của Bệnh viện Bạch Mai về làm các xét nghiệm và tiến hành lấy mẫu khí để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng không đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến hàng loạt công nhân bị ngất.

Từ những vụ việc trên, cho thấy những lỗ hổng trong bảo vệ sức khoẻ cho người lao động, cần phải có những cuộc thanh, kiểm tra diện rộng và có những yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải đảm bảo môi trường làm việc theo đúng các tiêu chuẩn. Nếu không, cần dừng ngay dây chuyền sản xuất.

Vì hiện tượng ngất xỉu, ngạt thở có thể chỉ là hiện tượng ban đầu. Sẽ thế nào nếu người lao động tiếp xúc lâu dài với các chất hoá học độc hại?

Công nghiệp điện tử Việt Nam đang đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế và giải quyết việc làm cho không ít người lao động. Tuy nhiên, với sự phát triển mang tính chất “tức thời” như hiện nay thì vấn đề sức khỏe của nguồn lao động trong ngành này là một vấn đề rất lo ngại.

Các doanh nghiệp cần ý thức được việc công khai, minh bạch các loại hóa chất độc hại trong sản xuất các sản phẩm điện tử. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần có tìm hiểu về mức độ độc hại của các hóa chất và đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.

Hồng Anh

Hồng Anh