Kiên Giang: Cấp thiết bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng Phú Mỹ

Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 13:00, 16/08/2018

(Moitruong.net.vn) – Đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) có hệ sinh thái đa dạng. Đây là nơi duy nhất còn sót lại của khu vực đồng bằng sông Cửu Long thu hút sếu đầu đỏ bay về mỗi năm nên việc bảo tồn các loài động vật, thực vật tại đây có ý nghĩa quan trọng.

Đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long

Đa dạng hệ sinh học

Theo khảo sát của Trường Đại học Cần Thơ, đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ có 6 kiểu thảm thực vật đặc trưng gồm: Bàng – mồm mốc, bàng – năng, năng nỉ, năng ngọt, tràm và ruộng lúa; động vật đáy; nhện; 65 loài côn trùng thủy sinh thuộc 47 giống, 28 họ.

Đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ có rất nhiều loại cá sinh sống, với khoảng 444 mẫu cá, trong đó cá chép chiếm ưu thế với gần 35%. Với nguồn thức ăn phong phú như côn trùng, tảo, phiêu sinh… các loài cá ở đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt. Nơi đây còn có nhóm lưỡng cư, bò sát, 132 loài chim thuộc 42 họ được ghi nhận, trong đó có 9 loài có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn, nằm trong danh sách các loài bị đe dọa của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Để bảo tồn hệ đa dạng sinh học tại đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ, UBND tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Khu bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ, cũng là nơi duy nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi sếu đầu đỏ bay về mỗi năm.

Cần cấp thiết bảo tồn

Thời gian qua, sự gia tăng về dân số tại xã Phú Mỹ và các hoạt động khai thác khoáng sản, nuôi tôm công nghiệp với quy mô lớn, các hoạt động phát triển cầu, đường, hệ thống kênh, mương nhằm tháo chua rửa phèn, tưới tiêu làm thay đổi phần nào hiện trạng môi trường hệ sinh thái đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ.

Nhằm bảo vệ hệ sinh thái đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ, thời gian tới các nông hộ trong khu vực cần phải áp dụng những tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới, trồng thêm hoa màu nhằm ổn định thu nhập; tập trung đào tạo nguồn nâng cao tay nghề trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ nguyên liệu cỏ bàng… Đồng thời, quản lý và khai thác bền vững đồng cỏ để bảo đảm có đủ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Về lâu dài, đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ cần hạn chế các tác động của con người lên đồng cỏ như xâm chiếm, đào kênh, mương dẫn nước, lấn chiếm đất làm nông nghiệp hoặc chuyển từ đất có cỏ bàng sang làm lúa; xây dựng chương trình quan trắc thủy văn, đa dạng sinh học và sinh khối đồng cỏ bàng; mở thêm các ngành, nghề liên quan đến cỏ bàng, khai thác du lịch – dịch vụ để tăng thu nhập cho người dân địa phương; tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế để hoàn thiện dần hạ tầng cơ sở của khu bảo tồn và của vùng đệm đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ.

Quốc Tuấn

Quốc Tuấn