Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại Nghệ An

Y tế - Ngày đăng : 08:00, 01/10/2020

Moitruong.net.vn – Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An cho biết, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa qua 21 ngày trên 301 hộ/12 huyện.

Dịch tả lợn Châu Phi tái phát và lây lan nhanh, buộc phải tiêu huỷ 1.244 con lợn. Bệnh Cúm gia cầm H5N6 xảy ra tại 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu chưa qua 21 ngày. Số gia cầm ốm chết tiêu huỷ là 120 con. Bệnh lở mồm long móng cũng đã xảy ra tại 3 hộ ở huyện Quỳnh Lưu chưa qua 21 ngày.

Ảnh minh họa

Theo thống kê, số gia súc mắc bệnh là 11 con trâu, bò. Bên cạnh đó, theo Sở NN&PTNT Nghệ An, một sô bệnh khác như tụ huyết trùng, kí sinh trùng… cũng xảy ra rải rác trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định của Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ cho nên không áp dụng đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Chủ động giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm để phát hiện sớm các loại dịch bệnh nguy hiểm như CGC, DTLCP, lở mồm long móng (LMLM), tai xanh… Khi dịch bệnh xảy ra, phải tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch tái phát, lây lan ra diện rộng.

Xây dựng kế hoạch tiêm phòng vụ thu 2020, giao chỉ tiêu tiêm phòng cụ thể cho các địa phương theo tổng đàn thực tế. Tổ chức tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi theo đúng lịch của tỉnh; những huyện được hỗ trợ vắc xin, nếu số lượng không đủ cần hỗ trợ thêm kinh phí hoặc chỉ đạo người chăn nuôi mua thêm vắc xin để tiêm phòng đạt tỷ lệ bảo hộ.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh CGC, DTLCP, LMLM, tai xanh, dại… và các biện pháp phòng, chống. Yêu cầu người chăn nuôi thực hiện tốt “6 không” trong phòng chống bệnh DTLCP; đồng thời hướng dẫn chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Rà soát, thống kê đầy đủ tổng đàn gia súc, gia cầm; kịp thời tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi đảm bảo đạt 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm. Bố trí hoặc hợp đồng với cán bộ có chuyên môn thú y để triển khai tiêm phòng.

Phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm các ổ dịch, tiêu huỷ ngay các lợn có kết qủa dương tính; tổ chức vệ sinh phun tiêu độc khử trùng vùng dịch, vùng uy hiếp 2 lần/tuần đầu và 1 lần trong 2-3 tuần tiếp theo; tổ chức tiêm phòng cúm gia cầm, lở mồm long móng, bao vây ổ dịch và xử lý tiêu huỷ các gia cầm phát bệnh,…”.

Trong thời gian tới, các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có thể tiếp tục xuất hiện và những ổ dịch cũ có nguy cơ bùng phát cao. Do vậy, cần phải chủ động, phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Minh Châu

Minh Châu