Cần Thơ: Bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, tái đàn gia súc, gia cầm
Y tế - Ngày đăng : 07:00, 19/11/2020
Đợt dịch tả heo Châu Phi vừa qua đã làm giảm sản lượng đàn heo trên địa bàn khoảng 50-60%. Hiện nay tổng đàn heo của toàn thành phố trên 100.000 con, dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ tăng thêm sản lượng đàn từ 20-30%. Ngành nông nghiệp đang khuyến khích các trang trại, hộ dân thực hiện tái đàn heo một cách thận trọng, đặc biệt chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
Sau đợt dịch người nuôi heo trên địa bàn TP. Cần Thơ rút ra kinh nghiệm khi tái đàn phải nuôi theo hướng an toàn sinh học để phòng ngừa dịch bệnh.
Đối với các cơ sở chăn nuôi đã xảy ra dịch bệnh trước đó, khi tái đàn cần đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và các điều kiện theo quy định. Cải tạo lại chuồng trại, phải thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi để ngăn chặn động vật mang trùng như chuột, chim, ruồi, muỗi… Không sử dụng thức ăn thừa để nuôi heo, thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng. Khuyến cáo nên sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn. Nguồn nước sử dụng cho chăn nuôi heo phải đảm bảo an toàn, không sử dụng nước sông, mương, ao hồ chưa được xử lý để tắm rửa hoặc cho heo uống. Nếu sử dụng thì phải thực hiện các biện pháp xử lý nước theo quy định. Heo được nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Ðể đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, ngành Thú y tăng cường công tác phòng ngừa dịch cúm. Ðến nay, ngành đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1 và 2 năm 2020, với gần 1,894 triệu con gia cầm được tiêm phòng, trong đó có 376.511 con gà, hơn 1,517 triệu con vịt được tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng đối với đàn gà đạt 51,17%/tổng đàn; đàn vịt tỷ lệ tiêm phòng là 82,77%/tổng đàn. Hiện tỷ lệ tiêm phòng đàn gà thấp do người dân nuôi phân tán, nhỏ lẻ. Ngoài ra, ngành Thú y còn cung cấp nhiều loại vắc-xin tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm khác (dịch tả ở vịt, Newcatle, Gum, tụ huyết trùng gia cầm…) theo yêu cầu của người chăn nuôi với tổng số liều là 717.745 liều.
Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cũng được quan tâm thực hiện. Ðến nay, ngành Nông nghiệp đã thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho 2 mô hình chăn nuôi (1 mô hình chăn nuôi heo; 1 mô hình chăn nuôi vịt) để tham gia chuỗi cung ứng và xác nhận thực phẩm an toàn; hiện có 3 chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gồm: 1 chuỗi liên kết sản xuất sữa bò tươi với sản lượng 2.000 tấn/năm, 1 chuỗi liên kết sản xuất thịt heo với sản lượng 50 tấn/tháng, 1 chuỗi cung ứng trứng vịt muối phục vụ cho xuất khẩu với sản lượng tiêu thụ 9,6-9,8 triệu quả/năm.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ vận động, hướng dẫn và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, kiểm soát an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường theo định hướng nâng cao chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi, quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ; xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện chăn nuôi, điều kiện vệ sinh thú y đối với các trang trại, các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm…
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ, cơ sở chăn nuôi heo tái đàn, khôi phục sản xuất sau dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp định hướng, khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, gia trại, an toàn sinh học; giám sát và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tái nhiễm dịch bệnh…”.
Trọng Nhân