Hãng dược Moderna tuyên bố vaccine Covid-19 đạt hiệu quả 94,5%
Y tế - Ngày đăng : 02:00, 18/11/2020
Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ thông báo hôm 16/11, vaccine COVID-19 của hãng cho hiệu quả tới 94,5% trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 với 30.000 người tham gia ở Mỹ.
Thông báo của công ty được đưa ra đúng một tuần sau khi công ty BioNTech của Đức và đối tác Mỹ Pfizer cho biết vaccine COVID-19 của họ có hiệu quả khoảng 90% trong các thử nghiệm giai đoạn 3, dựa trên dữ liệu sơ bộ.
Vaccine của Moderna sẽ có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, là nhiệt độ của tủ lạnh thông thường, giúp bảo quản dễ dàng hơn so với vaccine của Pfizer/BioNTech, chủ yếu cần được giữ ở -70 độ C.
Vaccine Covid-19 của Moderna hiệu quả 94,5%. Ảnh: Reuters
Hầu hết tác dụng phụ của vaccine Moderna là từ nhẹ đến trung bình. Song nhiều tình nguyện viên cũng gặp triệu chứng dữ dội hơn sau khi tiêm mũi thứ hai. 10% bị mệt mỏi nghiêm trọng, không thể sinh hoạt bình thường. 9% khác bị đau cơ. Tuy nhiên, đại diện Moderna cho biết tình trạng này không kéo dài. Giáo sư Peter Openshaw của trường Cao đẳng Hoàng gia London giải thích: “Đây là các phản ứng dễ đoán đối với một loại vaccine hiệu quả và tạo ra miễn dịch tốt”.
Việc có nhiều hơn một nhà cung cấp vaccine cũng sẽ giúp đảm bảo nguồn cung vaccine luôn có sẵn và phân phối công bằng hơn.
Moderna đang lên kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trong những tuần tới. Hãng dự kiến sẽ có 20 triệu liều sẵn sàng xuất xưởng tại Mỹ vào cuối năm nay và đang trên đà sản xuất 500 triệu – 1 tỷ liều trên toàn cầu vào năm 2021.
Đến nay, toàn thế giới có hơn 100 loại vaccine đang được phát triển. 12 “ứng viên” đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, thuộc về Mỹ, Đức, Trung Quốc, Anh, Nga, Ấn Độ. Hồi tháng 8, Nga đã chấp thuận khẩn cấp vaccine Sputnik V trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3. Ngày 12/11, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết Sputnik V đạt hiệu quả 90% và vài ngày sau “sửa” lại 92%, song không công bố các dữ liệu chi tiết mà “dựa trên quan sát”.
Hoàng Nhân (t/h)