Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc ở Sapa
Y tế - Ngày đăng : 09:00, 07/12/2020
Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, nhiệt độ tại vùng “rốn rét” Sa Pa giảm thấp. Ngày 5-12, nhiệt độ giảm còn 5 độ C. Rét đậm, rét hại bắt đầu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Thị xã Sa Pa đã chủ động phòng, chống rét cho gia súc và cây trồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét hại gây ra.
Củng cố chuồng trại chống rét cho đàn gia súc
Để phòng, chống rét hiệu quả nhất cho đàn gia súc hơn 13 nghìn con, trong đó có 10.162 con trâu và 3.077 con bò, huyện Sa Pa tập trung mạnh vào khâu chuồng trại. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có “thói quen” thả rông gia súc trong rừng, đến mùa cần bắt về cày ruộng nương mới lên rừng tìm bắt trâu về nhà. Vì thế, vào mùa đông, rét đậm rét hại, băng tuyết, trâu lại chết rét nhiều, do đói và rét, sức đề kháng kém.
Tính đến nay, toàn thị xã Sa Pa đã có 91% số hộ (4.122 hộ) chăn nuôi đã có chuồng trại cho gia súc, giữ ấm trong mùa đông; cơ bản chấm dứt tình trạng thả rông gia súc. Tuy nhiên, trước mùa đông năm nay, Sa Pa còn 540 hộ chăn nuôi có chuồng trại chưa bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật thiết yếu chống rét và 384 hộ chưa có chuồng trại, hầu hết là những hộ nghèo và cận nghèo ở vùng núi cao, vùng sâu vùng xa. Thị xã Sa Pa đang thực hiện giải pháp vận động họ hàng giúp nhau làm chuồng trại; trường hợp khó khăn sẽ hỗ trợ kinh phí để giúp hộ dân làm chuồng chống rét cho gia súc.
Bà Trần Thị Lan Hương, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: “Vận động các hộ dân là luân đàn, bán những con gia súc già yếu để giết thịt sau đó mua lại những con khỏe mạnh để phục vụ sản xuất cũng nhưng tăng khả năng chống chịu thời tiết. Chủ động dự trữ thức ăn từ các phụ phẩm của nông nghiệp như rơm, cây cỏ. Chủ động tiêm phòng cũng như thực hiện các biện pháp giữ ấm.”
Thị xã Sa Pa hiện có hơn 4.500 hộ chăn nuôi trâu, bò; trong điều kiện đàn gia súc tăng nhanh, trong khi diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp do xây dựng các công trình thủy điện và công trình du lịch. Mặt khác, mùa rét kéo dài kèm theo sương muối khiến cỏ lụi tàn, vì vậy, cần phải tăng cường dự trữ thức ăn cho gia súc. Đây cũng là việc làm khó, bởi tập quán, thói quen lâu đời của người dân bản địa thường dựa vào tự nhiên. Thị xã Sa Pa tập trung hướng dẫn người dân dự trữ rơm rạ khô, trồng cỏ voi, trồng ngô dày lấy thân lá làm thức ăn xanh và tận dụng phụ phẩm của rau xanh các loại để làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông giá rét.
Năm nay, thị xã Sa Pa chủ động lập kế hoạch di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét bằng cách thống kê cụ thể số hộ đăng ký di chuyển, số lượng gia súc cần “sơ tán”, để liên hệ với chính quyền các xã vùng thấp như Tòng Sành (Bát Xát), Cốc San ( thành phố Lào Cai) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển gia súc tránh rét, vừa bảo đảm nơi chăn thả, vừa phòng chống dịch bệnh. Việc chủ động phòng chống đói rét cho đàn gia súc đã hạn chế thiệt hại cho người dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trọng Nhân