Quảng Nam: Phê duyệt đề án bảo tồn, kết nối hành lang bảo tồn đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 05:30, 14/11/2018
– Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Đề án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học kết nối Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tỉnh Quảng Nam tại Quyết định số 3370/QĐ-UBND.
>>>Kiên Giang: Giải cứu 16 cá thể rùa biển bị nuôi nhốt trái phép ở Phú Quốc
>>>Giải cứu khỉ bị thương khi đang được bán tại chợ thị trấn Phú Bài
Ảnh minh họa
Mục tiêu của đề án là nhằm kết nối sinh cảnh, tăng cường chất lượng các hệ sinh thái trong hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần duy trì độ che phủ rừng (69%) tại khu vực hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần duy trì, bảo vệ sinh cảnh cho một số loài mục tiêu trong khu vực hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, gồm: Sao La (Pseudoryx nghetinhensis); Vọoc Chà Vá chân nâu (Pygathrix nemaeus); Vọoc Chà Vá chân xám (Pygathrix cinerea); phát huy trách nhiệm cộng đồng, đặc biệt là các chủ rừng trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng. Lồng ghép quản lý hành lang bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách hiện có.
Qua đó, đề xuất cơ chế chính sách mới về hành lang bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời cải thiện sinh kế cộng đồng để tăng thu nhập người dân thông qua các hoạt động lồng ghép triển khai các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo, dân tộc, nông nghiệp nông thôn.
Để triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (đầu mối là Tổng cục Môi trường) về quản lý, huy động nguồn lực cho hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng cơ chế chính sách mới, lồng ghép với các chính sách hiện có để đầu tư, khuyến khích các thành phần tham gia quản lý hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao các Sở, ban, ngành chỉ đạo các đơn vị có liên quan, Ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên phối hợp chặt chẽ với chính quyền 2 huyện Tây Giang và Nam Giang trong công tác quản lý các chủ rừng, các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trong hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; giám sát các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trong hành lang bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn; Phối hợp với các cơ quan đơn vị tuyên truyền, phố biến, tập huấn các hoạt động quản lý hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.
Việc triển khai thực hiện Đề án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học kết nối Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la, Voi và Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong kết nối sinh cảnh, tăng cường chất lượng các hệ sinh thái trong hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần duy trì độ che phủ rừng của Quảng Nam.
Hà An (T/h)