Các món “đặc sản” dịp Tết làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm
Y tế - Ngày đăng : 01:15, 22/01/2021
Có những món ăn là đặc sản ngày Tết được rất nhiều người ưa chuộng, nhưng lại có nguy cơ gây hại sức khỏe, cần hạn chế và không nên ăn để phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe phải kể đến như: Tiết canh, nem chua, thịt lợn rừng, măng tươi và các món tái…
Tiết canh
Tiết canh là món ăn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm do nhiễm khuẩn. Đồ họa: Hồng Nhật
Theo điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, có 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.
Bản chất, tiết canh là món ăn làm từ máu sống của một số loài động vật như lợn, gà, vịt. Do đó, những món ăn này thường không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, ngay cả những con vật không mắc bệnh. Ngoài ra, ăn tiết canh từ con vật bệnh cũng sẽ có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, nặng có thể gây tử vong.
Viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu là hai thể thường gặp ở bệnh nhân cầu lợn. Thời gian ủ bệnh khoảng vài ngày. Người bệnh mắc viêm màng não mủ sẽ bị sốt, đau đầu, buồn nôn, hôn mê co giật. Nếu bị nhiễm trùng máu, bệnh nhân sẽ bị sốt, sốc, không điều trị kịp thời có nguy cơ suy gan, thận, tụt huyết áp, rối loạn đông máu.
Nem chua
Ăn nem chua không đảm bảo vệ sinh có thể gây ra ngộ độc và nhiều căn bệnh nguy hiểm. Đồ họa: Hồng Nhật
Nem chua là món ăn bổ dưỡng và ngon miệng. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến và bảo quản, món này mang rất nhiều rủi ro cho người ăn.
Nem làm từ thính, thịt tươi và đa phần được làm thủ công bởi phương pháp lên men tự nhiên. Trong quá trình chế biến, nếu không bảo đảm được vô trùng, món này rất dễ bị nhiễm khuẩn. Thính và thịt nếu để quá hạn và gặp môi trường ẩm cũng rất dễ tạo ra nấm mốc và vi khuẩn độc hại.
Những vi khuẩn này thường chỉ được tiêu diệt khi nấu chín. Do đó, không thể diệt được các vi khuẩn, virus gây bệnh và các ký sinh trùng đường ruột nên dễ trở thành nguyên nhân gây ra bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm tức thời.
Nếu bị mắc phải ấu trùng sán lợn có thể gây ra các bệnh nguy hiểm ở vị trí kén ký sinh như lồi nhãn cầu khi ký sinh ở mắt, rối loạn nhịp tim khi ký sinh ở cơ tim, nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ khi ký sinh ở não.
Thịt lợn rừng
Heo rừng thường ăn các loại động thực vật sống trong rừng, không ít trong số đó có thể có độc, đặc biệt là các loại nấm độc. Cơ thể của chúng có thể thích nghi với các chất độc đó, nhưng thịt heo rừng khi con người ăn vào có thể sinh chứng thần kinh bất ổn, ăn thường xuyên có thể bị rối loạn hành vi. Chưa kể có thể bị nhiễm khuẩn khi ăn nội tạng của các loài động vật này.
Măng tươi
Trong măng tươi có chứa hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ.
Khi người ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide ngay lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể. Mỗi kg măng củ có chứa khoảng 230mg cyanide, có thể gây tử vong ngay tức thì cho hai trẻ em hơn một tuổi.
Các món tái
Bò, dê tái chanh, gỏi cá, nem chua… là những món ăn được xếp vào hàng thông dụng của người Việt nhưng lại có nguy cơ gây bệnh rất cao, thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có khoảng 50 loại giun sán ký sinh được tìm thấy ở thủy sản, một số loại có thể gây chết người. Trứng giun sán trên sông biển ao hồ, trung chuyển qua ốc, tôm, cua rồi ẩn sâu vào thịt cá.
Với những món tái như gỏi, trứng giun sán vẫn sống trong miếng thịt và theo đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể con người.Sau đó, ấu trùng này sẽ nở thành giun sán và bắt đầu gây bệnh.
Ngoài nguy cơ nhiễm giun sán, các món ăn tái sống nếu được chế biến từ thực phẩm có chứa vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, E.Coli có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm.
Khi mắc bệnh này, bệnh nhân có thể bị đau bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu, kèm theo có thể có sốt hoặc nôn.
Một số trường hợp nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người già).
Ngoài ra, nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn thực phẩm chế biến tái sống cũng ngày càng phổ biến.
Hạnh Mai