60% số lượng động vật hoang dã đã bị xóa sổ trên Trái Đất sau gần nửa thế kỷ
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 06:30, 31/10/2018
Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) cảnh báo các loài động vật hoang dã đang bị đẩy đến bờ vực diệt vong vì nhu cầu tiêu thụ mất kiểm soát của con người.
>>>Gần 1 triệu người châu Âu tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí
>>>Cứ 10 trẻ em thì có tới 9 trẻ phải hít thở không khí độc hại mỗi ngày
Các loài động vật trên Trái Đất đang sụt giảm nhanh chóng về số lượng và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì hoạt động của con người. Ảnh: AP.
Ngày 30/10, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đưa ra con số thống kê cho thấy từ năm 1970 đến năm 2014, 60% số lượng cá thể động vật có xương sống đã bị xóa sổ trên Trái Đất do hoạt động của con người.
“Tình hình thực sự rất tồi tệ và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn”, Tổng giám đốc WWF Marco Lambertini nói với AFP.
Theo báo cáo “Living Planet” của WWF, khi so sánh giữa các khu vực, Mỹ Latin bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 90% số lượng cá thể động vật bị xóa sổ. Tùy thuộc vào từng loài, tỷ lệ sụt giảm hiện nay cao gấp 100 cho đến 1.000 lần so với vài trăm năm trước.
Với những con số này, Trái Đất đang phải đối mặt với nạn tuyệt chủng hàng loạt, thảm họa mới chỉ xảy ra 6 lần trong vòng nửa tỷ năm qua.
Piero Visconti, nhà nghiên cứu thuộc viện phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế tại Áo, nói với AFP: “Các số liệu thống kê thật đáng sợ. Không giống như sụt giảm số lượng cá thể, nạn tuyệt chủng là không thể vãn hồi lại được”.
Các hoạt động của con người gồm săn bắn, khai thác rừng, buôn lậu cùng với biến đổi khí hậu là những nguyên nhân chính đẩy động vật nói chung và động vật hoang dã nói riêng đến bờ vực tuyệt chủng.
Đặc biệt tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, nhu cầu sử dụng bộ phận và sản phẩm từ động vật hoang dã khiến hoạt động săn bắn trái phép tăng mạnh. Số lượng cá thể một số loài như tê giác sụt giảm chóng mặt.
“Nếu chúng ta không nỗ lực cải thiện, tình hình sẽ tồi tệ hơn rất nhiều. Chúng ta cần một thỏa thuận toàn cầu về vấn đề bảo tồn thiên nhiên”, ông Lambertini nói.
Theo ông Lambertini, cuộc họp giữa 195 quốc gia về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới có thể là tia hy vọng, khởi đầu cho “cuộc cách mạng” với “một thỏa thuận mới vì thiên nhiên”.
Hương Ly/ Zing.vn