Gần 2,6 triệu người tử vong vì COVID-19
Y tế - Ngày đăng : 04:00, 07/03/2021
Trước sự lây lan chưa có điểm dừng của dịch bệnh thì hiện vaccine được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, sự thiếu hụt và phân bố không đồng đều vaccine COVID-19 đang khiến nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh của con người gặp phải nhiều thách thức.
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 6/3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 92.239.497 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 21.800.888 ca bệnh đang điều trị thì có 21.711.139 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 89.749 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Ảnh minh họa
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 34.835.739 trường hợp, trong đó có 830.617 ca tử vong và 24.437.483 ca được điều trị khỏi. Dịch bệnh tại khu vực này vẫn tiếp tục lây lan mạnh, ngay cả khi chính phủ các nước đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine cho người dân. Trong 24 giờ qua, “lục địa già” ghi nhận nhiều số ca mắc mới COVID-19 nhất so với các khu vực khác trên thế giới, với 165.769 trường hợp.
Hiện Bắc Mỹ có 33.956.794 ca nhiễm bệnh, trong đó có 773.169 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 29.585.997 ca nhiễm và 535.326 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.112.508 ca nhiễm và 188.866 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 880.715 ca nhiễm và 22.186 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 6/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 25.392.294 trường hợp, với 402.716 ca tử vong và 23.828.132 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.161.446 ca bệnh đang điều trị thì có 22.061 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 11.190.651 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.757.460 ca.
Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 120.000 người ở Anh và Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo rằng mối đe dọa vẫn “nghiêm trọng”, cho dù kết quả một nghiên cứu vừa được công bố cho thấy vắcxin Pfizer làm giảm nguy cơ nhập viện đến 85% trong bốn tuần sau liều đầu tiên, của AstraZeneca lên đến 94%.
Hiện nay tất cả các chỉ số – số ca nhiễm mới, số ca nhập viện và số ca tử vong, đang giảm từng ngày. Đây là kết quả của đợt phong tỏa lần ba từ đầu năm, giúp ngăn chặn sự tiến triển của virus và biến thể, cho phép các bệnh viện tăng khả năng cầm cự.
Tại Italy, mối đe dọa của làn sóng COVID-19 thứ ba buộc chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi phải tăng cường các biện pháp chống dịch, với ưu tiên là đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắcxin. Chính quyền trung ương sẽ điều phối các kế hoạch vùng, với mục tiêu tiêm cho 300.000 người mỗi ngày.
Tính đến sáng 6/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.973.864 trường hợp, trong đó có 105.352 ca tử vong và 3.534.743 ca bình phục. Trong tổng số 333.769 ca đang điều trị thì có 2.509 ca trong tình trạng nguy kịch.
Minh Châu