Hà Nội: Tập trung phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi

Y tế - Ngày đăng : 05:30, 19/05/2021

Moitruong.net.vn – Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm nay sẽ tiếp tục là năm có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Đây là điều kiện bất lợi, khiến đàn vật nuôi giảm sức đề kháng, phát sinh bệnh dịch.

Khoảng 2 tuần nay, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng, trong khi đó bệnh Dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Để bảo vệ đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và ứng phó với nắng nóng.

Chủ động quạt mát, chia khẩu phần ăn ra nhiều bữa và thả vật nuôi ở những nơi thoáng, rộng… là những giải pháp mà người chăn nuôi trên địa bàn thành phố chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi của gia đình mình.

Đối với chuồng kín cần cải tạo cho thông thoáng, vệ sinh chuồng trại

Hiện đang vào mùa nắng nóng, ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả… Các hộ chăn nuôi lớn đều xây dựng chuồng trại khép kín và có hệ thống làm mát; còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có hệ thống làm mát, nếu không có biện pháp ứng phó với nắng nóng thì gia súc, gia cầm dễ mắc bệnh, gây thiệt hại về kinh tế.

Những ngày nắng nóng, vật nuôi thường có biến đổi trong quá trình hấp thu, trao đổi chất, việc ăn uống có nhiều thay đổi theo chiều hướng không tốt. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, hằng ngày, cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ trong và xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động cho trâu bò…; đồng thời, cần giãn mật độ nuôi nhốt đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi.

Cùng với đó, các địa phương cần tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào ao tích nước cho gia súc. Mặt khác, cần hướng dẫn người dân chăm sóc gia súc, gia cầm trong điều kiện khô hạn, tiết kiệm nước; chuẩn bị thức ăn, nước uống cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, cần tăng cường khẩu phần ăn xanh (rau cỏ tươi, củ, quả…), tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại vật nuôi…

Chú trọng hướng dẫn, tuyên truyền người chăn nuôi bố trí mật độ, lứa tuổi phù hợp cho từng loại vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ; chuồng trại phải đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi.

Những ngày nắng nóng, phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi; đồng thời phủ lá cọ, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp. Đối với các trang trại chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, chủ động nguồn cung cấp điện, nước để đảm bảo phục vụ sản xuất; tăng cường thức ăn giàu đạm; giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần…

Bên cạnh đó, cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời; đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…

Châu Anh 

Châu Anh