Bảo vệ đa dạng sinh học bằng AI
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 09:30, 13/06/2020
Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.
Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề cấp thiết do nhiều loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt, buôn bán trái phép.
Mới đây, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế ở Indonesia (WWF-Indonesia) cho biết, nhờ ứng dụng các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây của Amazon Web Services (AWS), WWF-Indonesia có thể hiểu rõ hơn về quy mô và tình trạng sức khỏe của quần thể đười ươi trong môi trường sống bản địa của chúng.
Từ đó cho phép tổ chức phi lợi nhuận này có thể tiến hành khảo sát nhiều vùng lãnh thổ hơn với ít tài nguyên hơn, giúp giảm chi phí hoạt động và tăng thêm nguồn quỹ bảo tồn để bảo vệ hiện trạng đa dạng sinh học của Indonesia.
Theo WWF-Indonesia, quần thể đười ươi đã giảm hơn 50% trong 60 năm qua và môi trường sống của các loài đã giảm ít nhất 55% trong vòng 20 năm qua. Từ nhiều năm qua, WWF-Indonesia đã đánh giá tình trạng sức khỏe của quần thể đười ươi và bảo tồn môi trường sống rộng 568.700ha của chúng tại Vườn quốc gia Sebangau ở miền Trung Kalimantan, Indonesia.
Trước đây, để thực hiện đánh giá, các chuyên gia và tình nguyện viên bản địa phải đi thực địa hàng ngày để tìm đười ươi, chụp ảnh chúng, tải hình ảnh xuống máy tính tại chỗ và truyền dữ liệu về thành phố để chuyên gia WWF-Indonesia phân tích. Quá trình thủ công này khiến các chuyên gia WWF-Indonesia phải mất 3 ngày để phân tích hàng ngàn tấm hình khác nhau, một quá trình có thể dễ mắc lỗi do khối lượng dữ liệu quá lớn.
Voọc sinh sống tại bán đảo Sơn Trà, TP Ðà Nẵng (Ảnh: Báo Nhân dân)
Nhờ sử dụng AI, giờ đây WWF-Indonesia sẽ tự động thu thập hình ảnh từ điện thoại di động và camera cảm biến chuyển động tại cơ sở hiện trường và tải lên đám mây điện toán để phân tích.
WWF-Indonesia đã giảm thời gian phân tích từ tối đa 3 ngày xuống dưới 10 phút. Độ chính xác và tính đặc thù của dữ liệu nhờ đó cũng tăng lên, bao gồm các số đo như tỷ lệ giới tính và tuổi tác, đánh giá khả năng tồn tại của quần thể, nhanh chóng xác định được các cá thể đang mang thai, ốm hoặc bị thương tích cần điều trị ngay.
Việt Nam được Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (Fauna and Flora International) ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với nhiều kiểu hệ sinh thái và loài. Theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH), ở Việt Nam, có khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; 7.000 loài động vật không xương sống dưới biển, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Trong đó, nguồn tài nguyên động vật hoang dã (ĐVHD) là nguồn gien di truyền vô cùng quý giá với hàng triệu triệu năm hình thành, tích lũy.
Có thể nói, ĐDSH đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Nếu chúng ta biết quản lý, giám sát để sử dụng một cách bền vững thì đây chính là cơ sở bảo đảm cho sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch bền vững; là nền tảng của y dược truyền thống phương Đông; là ngân hàng gien vô cùng quý giá tạo giống vật nuôi, cây trồng, phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
Hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn đã được quy hoạch trên toàn quốc cùng việc chuyển giao, cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý, hiếm là thành tựu rất đáng ghi nhận của Việt Nam trong những năm qua.
Minh Anh (T/h)