Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể mất nước trầm trọng ngày nóng

Y tế - Ngày đăng : 02:30, 09/06/2021

Moitruong.net.vn – Mất nước là một trong những “kẻ thù” thầm lặng của sức khỏe. Chúng ta cần nước để duy trì các chức năng của cơ thể nhưng nhiều người không nhận biết được mình đang bị mất nước. Điều đó có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Mất nước có thể dẫn đến tình trạng máu đông, co giật, và các biến chứng gây tử vong khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thậm chí mất nước nhẹ có thể có ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và năng lượng.

Những dấu hiệu dưới đây chứng tỏ cơ thể bạn đang mất nước trầm trọng:

Hơi thở có mùi hôi

Nước bọt có tính chất kháng khuẩn. Tuy nhiên tình trạng cơ thể bị mất nước có thể ngăn ngừa cơ thể bạn tiết ra nước bọt.

Theo John Higgins, Giáo sư y học về Tim mạch tại Đại học Texas ở Houston (Mỹ), nếu không sản xuất đủ nước bọt trong miệng, các vi khuẩn sẽ phát triển mạnh và gây ra những phản ứng phụ. Một trong những phản ứng phụ đó là hơi thở có mùi hôi.

Da khô

Có nhiều người nghĩ rằng khi cơ thể bị mất nước sẽ ra nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, trên thực tế, các biểu hiện của sự mất nước lại không liên quan đến việc ra nhiều mồ hôi, chẳng hạn như choáng váng, chóng mặt và da bị khô. Một trong những nguyên nhân khiến da bạn bị khô là do lượng nước cung cấp cho cơ thể không đủ trong khi lượng nước trong da luôn bị bay hơi qua các hoạt động thường ngày mà mắt thường không thể nhìn được.

Ngoài ra, thời tiết những ngày mùa đông lạnh cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng da bị khô.

Nước tiểu sẫm hoặc màu trà

Cơ thể được bổ sung nhiều nước thì nước tiểu càng trong. Bạn nên uống nước khi có dấu hiệu nước tiểu màu đậm.

Giảm đi tiểu

Nước giúp thận lọc thải độc dưới dạng nước tiểu. Nếu thận không nhận đủ nước để mang chất thải ra khỏi cơ thể, bạn sẽ không đi tiểu thường xuyên. Khi nước tiểu quá cô đặc, chất thải khoáng dính vào nhau tạo sỏi thận.

Huyết áp thấp

Hơn một nửa số máu trong cơ thể là huyết tương – phần lỏng của máu. Huyết tương được tạo thành từ nước, protein và muối. Không có đủ nước trong huyết tương, máu trở nên cô đặc hơn và khó khăn khi lưu thông tới các bộ phận trong cơ thể.

Chóng mặt

Mất nước đồng thời cũng làm cho lưu thông trong cơ thể chậm hơn, máu và oxy được đưa lên não không kịp thời khiến cho bạn cảm thấy váng đầu, chóng mặt. Triệu chứng này cũng có thể được gây ra bởi những nguyên nhân khác, như thuốc hoặc buồn ngủ. Nhưng nếu thấy chóng mặt, váng đầu đi kèm với các triệu chứng khác nữa như trong 6 triệu chứng ở đây thì bạn sẽ không ngần ngại mà thay đổi thói quen uống ít nước của mình ngay lúc này.

Sốt và lạnh

Nghe có vẻ khó tin, nhưng nếu cơ thể bạn bị mất nước nghiêm trọng thì rất có thể bạn sẽ gặp phải những triệu chứng như sốt kèm theo lạnh. Sốt có thể gây nguy hiểm, vì thế khi bị sốt cao bạn nên đến gặp ngay bác sĩ để được chữa trị kịp thời.

Thèm ăn, đặc biệt là thèm đồ ngọt

Khi bị mất nước, cơ thể bạn sẽ khó hấp thụ được các chất dinh dưỡng, đặc biệt chức năng của gan sẽ bị suy giảm. Gan sử dụng nước để phân giải glycogens và các thành phần khác tạo thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. Vì vậy, nếu cơ thể bị mất nước, nguồn năng lượng tạo ra không đủ khiến bạn liên tục có cảm giác thèm ăn (để bổ sung năng lượng) và cơn thèm ăn đồ ngọt là phổ biến hơn cả.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Johannah Sakimura của Everyday Health, hầu hết các loại trái cây và rau quả có chứa hàm lượng nước cao giúp bạn cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể.

Johannah Sakimura nói: ‘Trong thực tế, một số loại trái cây và rau quả có chứa hơn 90% lượng nước – bao gồm dưa vàng, dưa hấu, dâu tây, dưa chuột, cần tây, rau diếp, rau lá xanh, bí xanh, cà chua và ớt chuông’. Ngoài ra sữa chua cũng cung cấp lượng nước tuyệt vời.

Đau đầu

Não nằm bên trong một túi chất lỏng để giữ cho não không bị va chạm với các hộp sọ. Nếu các túi chất lỏng được sử dụng hết hoặc ở mức thấp do cơ thể mất nước, não bộ có thể bị đẩy lên chạm vào các bộ phận của hộp sọ gây ra bệnh đau đầu.

Tăng nhịp tim

Nhịp tim đập nhanh là một trong những dấu hiệu đáng sợ nhất, nó cảnh báo tình trạng cơ thể thiếu nước trầm trọng. Thiếu nước, việc lưu thông trong cơ thể bị chậm lại và trì trệ khiến tim phải làm việc liên tục hơn. Trong trường hợp này, cần bổ sung nước càng nhanh càng tốt và luôn ghi nhớ rằng việc bổ sung nước cho cơ thể là việc cần làm hàng ngày chứ không phải chỉ là ngày một ngày hai.

Điều trị mất nước thế nào?

Tất nhiên, để bù đắp cho lượng nước mất đi, bạn cần phải uống nhiều nước, ví dụ như nước lọc, nước trái cây….. nhưng bạn nên tránh thức uống chứa caffeine và có gas.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị mất nước, không nên cho trẻ uống nước lọc nhiều vì có thể làm rối loạn nồng độ các chất điện giải trong cơ thể bé. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên cho trẻ uống một loại dung dịch để bù nước có chứa thành phần cân bằng các chất điện giải như kali, natri, clo và đường để khôi phục lại lượng dịch mất cho các bé một cách an toàn.

Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng, bạn cần phải đi đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để có hướng giải quyết thích hợp. Bác sĩ sẽ có thể cho bạn dùng thêm thuốc chống tiêu chảy, chống sốt hoặc chống nôn.

Hà An

Hà An