Thủ tướng: Chậm nhất tháng 6/2022 phải có vắc-xin COVID-19 sản xuất trong nước
Y tế - Ngày đăng : 04:30, 25/06/2021
Chiều 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
Sau khi thăm các phòng thí nghiệm, kho lưu trữ vắc xin, tìm hiểu về dây chuyền đóng ống, đóng gói vắc xin, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin.
Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện các công ty, đơn vị đã báo cáo về việc chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất các loại sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có vắc xin và các sản phẩm phòng, chống COVID-19, đồng thời kiến nghị tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất vắc xin, cùng một số nội dung liên quan tới giá vắc xin, kinh phí tiêm chủng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nguồn cung vắc xin hiện đang thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9/2021. Việc chuyển giao công nghệ vắc xin không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), chiều 24/6. Ảnh: VGP.
Việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước đòi hỏi nền tảng nghiên cứu khoa học lâu dài qua các thế hệ với sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư về nguồn lực, con người… một cách căn cơ, chiến lược. Việc tiến hành chiến dịch tiêm vắc xin đòi hỏi nhiều điều kiện.
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có truyền thống trong nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin, trong đó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương là cơ sở nghiên cứu lớn nhất, có truyền thống nhất. Hiện, Việt Nam đã sản xuất, chủ động 11/12 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chấm dứt, thanh toán được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như bại liệt, uốn ván sơ sinh…
Kế thừa các truyền thống, nền tảng đã có được, ổn định, đổi mới và phát triển trên cơ sở thực tiễn của đất nước, các cơ sở của Việt Nam đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm một số loại vắc xin COVID-19, sản xuất thành công nhiều loại sản phẩm, vật tư… phòng, chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khắc phục mọi khó khăn theo tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu đã quyết tâm rất cao trong sản xuất vắc xin và các sinh phẩm, vật tư phục vụ phòng, chống dịch bệnh trước mắt và lâu dài, thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19 và nhiều loại dịch bệnh khác trong tương lai.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có vắc xin COVID-19, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, kịp thời cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Thủ tướng đồng ý dành một phần nguồn ngân sách của nhà nước trong điều kiện cho phép để làm “vốn mồi” cho hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có Quỹ vắc xin phòng COVID-19.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đơn vị kế thừa truyền thống, thành quả đã đạt được, tiếp tục đào tạo, phát huy, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ của ngành vắc xin Việt Nam bởi nguồn lực con người có tính chất quyết định, đây là vấn đề chiến lược, lâu dài.
Về cơ sở vật chất phục vụ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan xem xét, xử lý theo quy định hiện hành, trong đó có quy định về ưu đãi với các lĩnh vực công nghệ cao, nếu vượt quá quy định hiện hành sẽ trình các cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng đánh giá các kiến nghị của các bộ, ngành, đơn vị liên quan tại cuộc làm việc là xác đáng, xuất phát từ thực tiễn với tinh thần trách nhiệm. Do đó, giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ xử lý, những vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ sẽ xử lý trước, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; quyết tâm phải sản xuất bằng được vắc xin COVID-19, chậm nhất là tháng 6/2022. Cũng có thể sớm hơn vì chúng ta đã có nhiều tiền đề quan trọng.
Lâm Minh