Thừa Thiên – Huế: Hai học sinh THCS chế tạo gốm lọc nước lũ thành nước sạch từ bã cà phê

Công nghệ xử lý nước - Ngày đăng : 04:29, 07/04/2017

(Moitruong.net.vn) – Sản phẩm gốm lọc nước từ bã cà phê và đất sét do hai học sinh Ngô Phan Minh Thắng lớp 8/5 và Trương Thành Đạt lớp 9/5 (Trường THCS Nguyễn Chí Diểu) chế tạo có khả năng “biến” nước lũ thành nước sạch, giúp người dân giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trong mùa mưa bão.

Thắng cùng Đạt cần mẫn nhào nặn đất sét thành từng tấm gốm mỏng.

Vừa qua, thiết bị lọc nước từ bã cà phê và đất sét của Đạt và Thắng đã đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2016-2017, giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng thành phố Huế năm học 2016-2017 và được Ban Tổ chức chọn tham dự kỳ thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên – Huế lần thứ 10 năm 2017.

Khi nói về lý do làm ra thiết bị lọc nước từ bã cà phê và đất sét, em Trương Thành Đạt, học sinh lớp 9/5 xúc động chia sẻ, “Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên – Huế phải trãi qua rất nhiều đợt mưa lớn, từng trận mưa trút xuống hết đợt này đến đợt khác đã nhấn chìm làng mạc, nhà cửa ngập trong bùn đỏ. Do phải sử dụng những nguồn nước nhiễm bẩn nên người dân dễ mắc phải các bệnh về da, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông, các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa”.

Ngay sau khi đã có ý tưởng hai học sinh đã bắt tay vào thức hiện. Sau nhưng buổi học căng thẳng, hai em lại tìm về những cánh đồng ngoại thành để tìm đất sét, hình ảnh những đứa trẻ cần mẫn tìm kiếm những xô đất khiến người dân khá tò mò.

02

Cách sử dụng thiết bị lọc rất đơn giản, chỉ cần đặt xô đựng nước 20 lít có gắn tấm gốm lọc trên một xô đựng nước có thể tích nhỏ hơn (loại xô 15 lít/10 lít), cho nước vào xô lớn phía trên và từ từ chờ nhận nước sạch ở xô phía dưới.

Sau khi đã có đủ đất, Đạt và Thắng tiếp tục tỏa đi các quán cà phê trong thành phố để xin bã cà phê. Còn chất kết dính là Keo bạc được các thầy giáo khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học – Đại học Huế hỗ trợ.

Để chế tạo gốm lọc nước sử dụng bã cà phê và đất sét, các em cho biết phải trải qua 8 bước sau.

Đầu tiên, cân bột đất sét và bột bã cà phê theo tỷ lệ 2:1 rồi trộn đều bột đất sét và bột bã cà phê. Sau đó, cho nước từ từ vào và trộn đều để đạt độ nhão mong muốn. Tiếp theo, cán mỏng thành tấm có chiều dày 4-6 mm và cắt thành các tấm hình tròn. Công đoạn tiếp là phơi khô tự nhiên 1 ngày và công đoạn cuối cùng là đem gửi nung tại các lò làm gạch để tạo thành các tấm gốm lọc nước. Rồi thành phẩm sau nung được quét keo bạc và nung lại lần 2.

Nói về nguyên lý hoạt động của thiết bị lọc nước, Đạt chia sẻ: “Do bột cà phê bị cháy trong quá trình nung sẽ để lại những lỗ trống li ti trong cấu trúc bộ lọc gốm, chúng đủ lớn cho phép nước được lọc qua và đủ nhỏ để giữ lại các tạp chất. Bên cạnh đó, một phần cà phê khi cháy sẽ có tác dụng như than hoạt tính nên khử mùi khá tốt. Một lớp tráng bạc sẽ làm nhiệm vụ diệt khuẩn để tạo ra sản phẩm cuối là nước sạch”.

03

Thiết bị lọc đã chế tạo có lưu lượng: 2 lít/giờ đối với đĩa gốm lọc có đường kính 110 mm.

Để đánh giá khả năng diệt khuẩn của thiết bị, thiết bị lọc được gửi đến phòng thí nghiệm vi sinh – phòng thí nghiệm Công nghệ trường Đại học Khoa học – Đại học Huế kiểm tra. Kết quả, mẫu nước chứa khuẩn vibrio spp sau khi lọc bị tiêu diệt hoàn toàn. Bộ lọc có tính diệt khuẩn tốt. Ngoài ra, để kiểm tra vi khuẩn hiếm khí nhóm chế tạo đã gửi thiết bị lọc qua Sở Y Tế tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung Tâm Kiểm Nghiệm Thuốc, Mỹ Phẩm, Thực Phẩm để kiểm tra. Kết quả, số lượng vi khuẩn trước khi lọc 9,6.103(CFU/ml), số lượng vi khuẩn còn lại sau khi lọc 2,1.101(CFU/ml), tỷ lệ diệt khuẩn đạt 99,78%.

Theo cô giáo Phan Thị Anh Thư, gốm lọc nước từ bã cà phê và đất sét có khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao. Nó có thể cung cấp nước sạch cho các hộ dân lúc mưa lũ, giá thành cho mỗi tấm lộc chỉ khoảng 1000 đồng.

Tin chắc rằng, nếu sản phẩm của hai học sinh trên được các nhà khoa học quan tâm, đầu tư nghiên cứu thêm nữa và được ứng dụng rộng rãi thì nó sẽ là một dụng cụ hữu ích, giúp nhân dân miền Trung khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch trong mùa lũ như hiện nay.

H.Đội