Ngân sách Nhà nước đã chi 21.500 tỷ đồng để phòng, chống dịch COVID-19
Y tế - Ngày đăng : 07:00, 17/07/2021
Ngân sách đã chi 21.500 tỷ đồng để phòng chống dịch COVID-19
Báo cáo mới công bố từ Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm nay đã thực hiện thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781.000 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 56,3% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán…
Nếu xét theo địa phương, cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%). Trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15%.
Bộ Tài chính đánh giá thu NSNN trong nửa đầu năm 2021 là tích cực. Tuy nhiên Bộ này cảnh báo dịch bệnh COVID-19 diễn biến ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo.
Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, theo Bộ Tài chính cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi 4.650 tỉ đồng. Còn tính từ năm 2020 đến hết tháng 6 năm nay, số tiền đã chi cho công tác phòng chống đại dịch này là 21.500 tỉ đồng. Trong đó có 8.400 tỉ đồng chi mua vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch; 13.100 tỉ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc xin tiêm phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021. Đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13.300 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020.
Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tính đến nay, Quỹ vắc xin đã huy động được hơn 8.100 tỉ đồng. Một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc xin phòng COVID-19 khoảng 2.500 tỉ đồng.
Như vậy, tổng cộng nguồn lực mua vắc xin phòng dịch COVID-19 đến nay được khoảng 25.000 tỉ đồng.
Khải Hân