Cư dân TP.HCM: Nguồn nước ô nhiễm cấp độ mới, xử lý an toàn nhưng vẫn… lo
Công nghệ xử lý nước - Ngày đăng : 08:31, 14/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Dù Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) khẳng định hiện nay chất lượng nước máy của TP.HCM vẫn ở mức an toàn, nhưng nguồn nước thô cung cấp từ sông Sài Gòn, Đồng Nai đã ở mức báo động đỏ. Không chỉ bị ô nhiễm vi sinh, chất hữu cơ, kim loại nặng… mà trong nguồn nước thô còn xuất hiện các chất hoặc chưa nằm trong danh mục cần được xử lý cho nước máy, hoặc chỉ mới được kiểm soát định kỳ: hợp chất gây rối loạn nội tiết, dư lượng kháng sinh, chất THMs có thể gây ung thư…
Việt Nam: Đề xuất xây trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa
Tấm lợp Amiang trắng tại Việt Nam, cần nhanh chóng loại bỏ, muộn nhất là năm 2023
Bể lắng lọc nước ngoài trời của Nhà máy nước Thủ Đức.
Nước sông Đồng Nai tại đầu vào trạm xử lý nước máy Thủ Đức vào một ngày mưa tháng 8 vàng quạnh. Quan sát, nước chảy về bể lắng lọc ngoài trời trong dần, đối lập với những “mảng” đục trôi lơ lửng ngay phía sau nó. Nước sau lắng lọc sẽ được khử trùng bằng chlorine, rồi hòa vào hệ thống cung cấp nước cho toàn thành phố.
Báo động từ ô nhiễm “thông thường”…
Trao đổi với Người Đô Thị, ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco cho biết: vào mùa mưa, độ đục của nước ở trạm bơm Hóa An này rất khó kiểm soát, thường xuyên thay đổi đột ngột, nhanh, trong giờ, đặc biệt là ban đêm. Có nhiều thời điểm, độ đục lên đến 96 NTU trong khi quy chuẩn cho phép tối đa là 2 NTU (nhà máy duy trì xử lý ở mức 0,5). Ngoài ra, ô nhiễm hữu cơ, vi sinh nguồn nước thô đầu vào ở đây rất cao, thường xuyên vượt quy chuẩn cho phép với chất lượng nước mặt loại A (phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt). Quan trắc tháng 7.2018 ở trạm Hóa An, chỉ tiêu Eliform ở họng đầu vào tới 16.000 CFU/100ml, tăng gấp 6,4 lần quy chuẩn cho phép; E.Coli là 2.000 CFU/100ml, tăng gấp 100 lần quy chuẩn…
Tương tự, quan trắc của Sawaco hai năm 2017 – 2018 cũng cho thấy, ô nhiễm vi sinh nước sông Đồng Nai tại khu vực lấy nước thường xuyên vượt mức quy chuẩn cho phép hơn 100 lần, có lúc E.Coli vượt tới 1.275 lần; ô nhiễm hữu cơ COD, amonia thì thường vượt chuẩn hơn 1 – 3 lần quy chuẩn. Tuy nhiên, khu vực lấy nước thô trạm bơm Hòa Phú trên sông Sài Gòn lại báo động ô nhiễm amonia, COD cao hơn, về cả tần suất và chất lượng từ 7,5 – 9 lần. Ô nhiễm vi sinh tại trạm bơm Hòa Phú cao báo động tương tự Hóa An. Ngoài ra, các chỉ tiêu sắt, mangan với các nước sông Đồng Nai và Sài Gòn cho mục đích cấp nước sinh hoạt đều vượt quy chuẩn cho phép, tùy thời điểm, từ 1 – 9 lần…
Không chỉ đang bị ô nhiễm hóa chất, hữu cơ, vi sinh, chất lượng nước có lượng oxy hòa tan trong nước thấp… nhiều năm nay trong nguồn nước cấp sông Sài Gòn, Đồng Nai đã xuất hiện hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh, hợp chất gây rối loạn nội tiết… Nghiên cứu diễn biến chất lượng nguồn nước từ năm 2011 – 2016 của nhóm tác giả Đại học Bách khoa TP.HCM cho thấy, những chất vi lượng làm biến đổi giới tính, hóa chất bảo vệ thực vật có thể gây ung thư đã xuất hiện trong nguồn nước cấp thô. Mức độ ô nhiễm những chất này tại sông Sài Gòn cao hơn sông Đồng Nai, và cao hơn gấp 10 lần so với các nước phát triển.
Quan trắc của Sawaco hai năm 2017 – 2018 cho thấy, ô nhiễm vi sinh nước sông Đồng Nai tại khu vực lấy nước thường xuyên vượt mức quy chuẩn cho phép hơn 100 lần, có lúc E.Coli vượt tới 1.275 lần…
Nghiên cứu của nhóm tác giả PGS-TS. Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố năm 2014 cũng cho thấy, vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai đã xuất hiện chất gây rối loạn nội tiết và dư lượng kháng sinh, với nhiều nơi vượt tiêu chuẩn cho phép.
Theo các chuyên gia, những chất ô nhiễm này đang tồn tại trong các thành phần môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và quan trắc định kỳ. Cũng vậy, ông Trần Kim Thạch cho biết, chúng đều chưa nằm trong danh mục cần được xử lý cho nước máy của Bộ Y tế.
“Với tất cả ô nhiễm nguồn nước đầu vào hiện nay, chúng tôi đều sử dụng chlorine để xử lý. Ô nhiễm cao thì cho châm nhiều chlorine hơn”, ông Thạch nói.
Trao đổi với Người Đô Thị, giới chuyên môn nhận định, công nghệ xử lý nước cấp truyền thống hiện nay (lắng lọc và dùng chlorine khử trùng) chỉ phù hợp khi chất lượng nước đạt tiêu chuẩn A1. Còn với chất lượng nước sông đang bị ô nhiễm COD, vi sinh, kim loại nặng… như hiện nay, công nghệ này khó có thể xử lý đạt yêu cầu. Và với những chất “mới” như EDCs, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… công nghệ xử lý nước cấp này không thể nào xử lý.
Nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học Bách khoa TP.HCM năm 2016 còn cho thấy: sử dụng chlorine khử trùng nguồn nước thô bị nhiễm vi sinh đã làm phát sinh chất THMs – một chất gây ung thư nếu tích lũy lâu dài ở người sử dụng. Kết quả phân tích 300 mẫu nước của Sawaco gửi ra phòng thí nghiệm Hà Lan năm 2016 cũng khuyến nghị cần đặc biệt lưu ý sản phẩm phụ phát sinh khi xử lý ô nhiễm là THMs; nếu ô nhiễm tăng thêm thì không đảm bảo chất lượng nước được nữa.
Chất lượng nước an toàn mà vẫn lo
Theo ông Thạch, Sawaco có nắm các thông tin cảnh báo ô nhiễm nhiều năm qua. Tuy nhiên, hạn chế về vốn đầu tư là một trong những lý do khiến những cảnh báo này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Nhiều năm qua, giới khoa học đã có nhiều cảnh báo cần thay đổi công nghệ xử lý nước phù hợp khi tình trạng chất lượng nước sông Sài Gòn, Đồng Nai ngày càng xấu. Thực tế có rất nhiều công nghệ xử lý nước dựa trên quá trình tiếp xúc sinh học, trong đó có các công nghệ ozon, lọc bằng than hoạt tính và lọc nano được sử dụng rộng rãi để loại bỏ các chất hòa tan trong nước.
Phòng thí nghiệm của Nhà máy nước Thủ Đức.
Một nghiên cứu và thiết lập mô hình pilot của Sawaco hợp tác với Cục Cấp nước Kitakyushu (Nhật Bản) tại trạm bơm Hòa Phú từ năm 2014 – 2017 cho thấy, công nghệ lọc sinh học U-BCF giúp giảm đáng kể hàm lượng các chất ô nhiễm (amonia, mangan, chất hữu cơ, độ đục…), từ đó giảm nhu cầu sử dụng hóa chất dùng cho những công trình xử lý sau, đặc biệt là chlorine. Việc này đồng nghĩa với giảm được khoảng 30% nguy cơ sản sinh ra sản phẩm phụ khử trùng THMs; giải quyết được vấn đề mùi vị nước sau xử lý (mùi chlorine); chi phí xử lý nước tăng 500 đồng/m3.
Tuy nhiên, theo ông Thạch, khi đưa vào thực tế, việc cần đến 4-5 triệu USD đầu tư cho công nghệ này đã khiến Sawaco bị chựng lại. Các công ty tư nhân cũng khó đầu tư vì vấn đề hiệu quả kinh doanh, khi chỉ có thể dựa vào giá nước. Còn nếu đầu tư công nghệ lọc màng thì chi phí xử lý nước lại rất cao, khiến giá nước máy có thể tăng lên tới 16 – 17 ngàn đồng/m3…
Cho đến nay, ông Thạch khẳng định, chất lượng nước máy vẫn ở mức an toàn. Các ô nhiễm thông thường được khống chế ở mức dưới ngưỡng cho phép, qua xử lý bằng chlorine. Các ô nhiễm hữu cơ, amonia, vi sinh, độ dẫn… đều được kiểm soát qua quan trắc 24/7, nhằm xử lý kịp thời ngay khi phát hiện, dù là nửa đêm. Tuy nhiên, ông Thạch cũng nhìn nhận, do điều kiện phòng thí nghiệm công ty chưa cho phép nên các hóa chất bảo vệ thực vật, các kim loại nặng như asen, crom… hiện chỉ được kiểm soát ở các phòng thí nghiệm dịch vụ bên ngoài, theo định kỳ xoay vòng lấy mẫu tại các điểm lấy nước đầu vào.
Riêng với những chất ô nhiễm “mới” như dư lượng kháng sinh, EDCs,… theo ông Thạch, do kết quả phân tích mẫu của Hà Lan năm 2016 cho thấy còn thấp dưới ngưỡng cho phép, nên đến nay vẫn chưa được Sawaco đưa vào kiểm soát riêng.
Cần xử lý triệt để ô nhiễm từ nguồn nước
Xây các bể nước ngầm (dùng thay được một – hai ngày khi nhà máy nước phải ngưng lấy nước từ sông); xây đường ống dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng, Trị An… là một trong vài giải pháp mà TP.HCM đang tính đến trong trường hợp nước sông bị ô nhiễm mặn; xâm nhập mặn như đỉnh mặn năm 2015. Đây cũng là giải pháp cho trường hợp hàm lượng ô nhiễm tại trạm bơm quá cao, việc châm nhiều chlorine không còn đảm bảo được an toàn chất lượng nước máy… Tuy nhiên, các giải pháp này rất đắt đỏ.
Theo nhiều chuyên gia, để đảm bảo được chất lượng nước máy, vấn đề căn bản nhất là giải quyết triệt để ô nhiễm nguồn nước. Công nghệ xử lý nước chỉ là giải pháp có tính tức thời, và không phải công nghệ nào cũng kham nổi nếu ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Lê Quỳnh/Nguoidothi