Hà Nội: Các chủ quán ở “vùng xanh” Gia Lâm phấn khởi khi được bán hàng trở lại

Y tế - Ngày đăng : 15:20, 07/09/2021

Moitruong.net.vn – UBND huyện Gia Lâm đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn mang về được hoạt động trở lại tại 19/22 xã, thị trấn “vùng xanh” sau gần 2 tháng đóng cửa vì giãn cách xã hội.

XEM VIDEO: Các chủ quán ở “vùng xanh” huyện Gia Lâm, Hà Nội phấn khởi khi được bán hàng trở lại

Theo đó, 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm không có ca bệnh phát sinh sau thời gian cách ly, phong tỏa theo quy định sẽ thực hiện Theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về.

Nhiều quán ăn trên địa bàn TT Trâu Quỳ, Gia Lâm được mở bán mang về

Ghi nhận của phóng viên Moitruong.net.vn trên địa bàn Thị trấn Trâu Quỳ trong ngày 7/9, nhiều hàng quán đã được mở lại và treo biển “Bán mang về”. Anh Trương Văn Cường – Chủ quán đồ ăn nhanh trên đường Trâu Quỳ phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi mở lại cửa hàng để phục vụ khách từ sáng nay theo thông báo mới của chính quyền. Được mở lại cửa hàng sau gần 2 tháng giãn cách xã hội thì rất vui, có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống chứ nếu giãn cách nữa thì rất khó khăn. Cửa hàng chỉ bán đồ mang về, khách đến thì phải đeo khẩu trang, xếp hàng và khi lấy đồ thì rửa tay sát khuẩn. Do dịch vẫn đang phức tạp nên lượng khách cũng chưa được nhiều nên tôi mong muốn thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường”.

Các chủ quán phấn khởi, vui mừng sau gần 2 tháng phải đóng cửa

Cũng giống như anh Cường, anh Lâm Nhật – Chủ cửa hàng hải sản trên đường mới Lý Thánh Tông, Vinhomes Ocean Park hôm nay cũng dậy từ sáng sớm để dọn hàng sau thời gian nghỉ dài giãn cách xã hội. “Chúng tôi ở nhà hơn 40 ngày giãn cách không dám đi đâu, hôm qua có thông báo là được mở bán mang về nên hôm nay phải dậy từ sớm để chuẩn bị cửa hàng, anh em nhân viên ai cũng phấn khởi. Nói chung là nghỉ lâu nên cửa hàng gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, lo ăn ở cho mấy nhân viên, được mở lại như này thực sự rất cảm ơn chính quyền đã kiểm soát dịch, mong là nhanh hết dịch để mọi người có thể quay trở lại cuộc sống bình thường”.

Vùng đỏ của huyện Gia Lâm vẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Bên cạnh sự vui mừng, phấn khởi vì được mở cửa hàng trở lại, nhiều chủ quán ăn cũng cho biết ngày đầu mở cửa rất vắng khách. Chị Nguyễn Thị Huê – Chủ quán cơm rang, phở bò trên đường Trâu Quỳ cho biết: “Hôm nay là ngày đầu chúng tôi mở cửa quán, khách hàng vẫn thưa thớt vì trên địa bàn vẫn còn nhiều chốt kiểm soát việc đi lại cũng như người dân đã quen với việc nấu ăn ở nhà sau thời gian dài giãn cách xã hội. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương có những giải pháp để người giao hàng có thể thuận tiện hơn trong vùng xanh an toàn”.

Các khu vực vùng đỏ và vùng da cam của huyện Gia Lâm vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Chính phủ. Các cửa ngõ ra vào địa bàn luôn có chốt kiểm soát người và phương tiện đi lại. Tại chốt kiểm soát trên địa bàn xã Đông Dư, người dân đi qua chốt đều phải xuất trình giấy đi đường, khai báo y tế, đo thân nhiệt.

Các chốt kiểm soát vẫn hoạt động, bảo vệ vùng xanh an toàn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nhật – Chủ tịch UBND xã Đông Dư cho biết: “Tình hình dịch Covid-19 ở địa phương còn rất phức tạp, có trường hợp F0 chưa quá 14 ngày và đang có khu vực phong tỏa, nên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã đã kiến nghị với huyện tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn xã cho đến hết ngày 14/9. Do vậy trên địa bàn của chúng tôi chưa có việc mở lại các cửa hàng ăn và bán hàng mang về mà vẫn thực hiện duy trì nghiêm việc đóng cửa”.

Trước đó, chiều 3/9, UBND TP Hà Nội quyết định thực hiện phân theo 3 vùng. Trong đó, Vùng 2 được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1. Vùng này sẽ bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Tại Vùng 2, Hà Nội sẽ đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn. Các cơ quan liên quan có thể chia vùng 2 thành từng phân khu nhỏ để tổ chức thực hiện đảm bảo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để cho các Khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.

Thế Đoàn

Thế Đoàn