Xuất hiện cá ngay dưới khúc sông Tô Lịch đang được thí điểm làm sạch
Công nghệ xử lý nước - Ngày đăng : 08:00, 28/05/2019
Ngày 27/5, theo ghi nhận, 4 chiếc máy sục khí vẫn hoạt động và sục lên bọt trắng trên sông Tô Lịch. Một số người dân ở gần sông cho biết, màu đen của nước sông chưa có nhiều chuyển biến nhưng mùi hôi thối đã đỡ hơn rất nhiều.
Anh Tuấn, một người dân sống cạnh khu vực này cho biết: “Trước đây, dòng sông ô nhiễm và bốc mùi hôi thối nên không ai dám câu và bắt cá. Nhưng vài hôm nay, tôi thấy nước sông Tô Lịch đã xanh trở lại và không còn mùi hôi thối”.
Sau 10 ngày xử lý ô nhiễm thí điểm, mùi hôi thối của sông Tô Lịch đã giảm đáng kể.
Ông Hưng (60 tuổi) nhà ở đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ ngày lắp máy lọc nước công nghệ của Nhật này, nước dưới sông trong hơn nhiều, đặc biệt là không còn mùi hôi thối nữa.
“Trước đây vào mỗi buổi trưa là mùi hôi thối từ dưới sông nồng nặc bốc lên đau đầu dức óc không chịu nổi, còn kinh khủng nhất là khi trời vừa mưa xong gặp nắng, ngửi buồn nôn lắm. Nhà ở đây đóng kín cửa suốt ngày mà vẫn ngửi thấy mùi”, ông Hưng lắc đầu nhớ lại.
“Thế nhưng giờ thì mở cửa vô tư, không khí trong lành rồi”, ông Hưng cười khoái trá chia sẻ.
Người đàn ông câu cá trên sông Tô Lịch
“Mấy hôm nay rỗi việc, thấy cá búng nên tôi ra đây ngồi câu để đốt thời gian. Nhưng chủ yếu cá câu được là cá trê thôi” – ông Hưng kể.
Cũng theo ông Hưng, mấy hôm nay người dân ở đây vui mừng lắm, ngồi uống nước chè với nhau, có ông bạn ví 4 chiếc máy lọc của Nhật này là chiếc máy thần kỳ.
“Mà kể ra nó cũng thần kỳ thật, khoảng 300 mét có máy lọc, nước trong hẳn mà không còn tý mùi nào, còn những đoạn không có máy thì mùi hôi lắm có cho tiền cũng chẳng dám ngồi câu cá”, ông Hưng bảo.
Con cá trê nặng khoảng nửa kg.
Được biết, ngày 16/5, dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản đã được tiến hành. Đây là dự án được nhiều người dân chờ đợi với mong muốn giảm ô nhiễm sông Tô Lịch.
Hệ thống bio – nano đặt xuống lòng sông Tô Lịch sẽ trở thành “nhà máy” xử lí nước thải với công suất lên tới 1.350.000m3/ ngày đêm.
Các máy sục khí nano khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm phân cắt phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ trong phân tử nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.
Hơn nữa chất xúc tác Nano Bioreactor sẽ kích hoạt các vi sinh vật có lợi, phân giải tức thì các chất bẩn, bùn, vi khuẩn có hại thành khí CO2 và nước H2O. Do vậy không còn khí độc H2S hay NH3 gây ra mùi hôi thối độc hại ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nữa.
Khu vực đặt máy làm sạch nước ở đoạn sông Tô Lịch nay có sự giám sát của camera 24/24.
Hà Anh (T/h)