Xử lý ô nhiễm nước hồ ở Hà Nội bằng chế phẩm Redoxy-3C
Công nghệ xử lý nước - Ngày đăng : 09:34, 23/05/2019
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, sau vài năm sử dụng chế phẩm độc quyền Redoxy-3C của Đức, từ các hồ ngoại thành đến trung tâm TP đều đã giảm ô nhiễm rõ rệt, được người dân đánh giá cao.
Ngày 22-5, tại Hồ Ba Mẫu, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội tiếp tục triển khai làm sạch nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C. Số liệu cho thấy, chế phẩm này có hiệu quả lâu dài trong xử lý ô nhiễm ao, hồ.
Các chuyên gia đều đánh giá, đây là chế phẩm có gốc sinh học, công nghệ cao và việc sử dụng ưu tiên cho TP Hà Nội là kết quả nỗ lực của lãnh đạo TP.
Nhân viên Cty Thoát nước dùng chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch hồ Ba Mẫu ở Hà Nội vào sáng 22.5
Bà Trần Lương Hiền, phụ trách Trung tâm Kiểm nghiệm môi trường nước – Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội khẳng định, việc dùng chế phẩm Redoxy-3C có hiệu quả rõ nét và trước đây Hà Nội từng sử dụng các hóa chất, phương pháp làm sạch hồ với công nghệ trong nước, tuy nhiên phải sau 15-20 ngày mới có thể lấy được kết quả phân tích và mỗi tháng phải xử lý lại một lần, gây tốn kém nhân công, thời gian. Trong khi đó chế phẩm của Đức ưu việt hơn, được các chuyên gia đánh giá cao trước khi đưa vào thử nghiệm.
“Các số liệu đều có kết quả rất tích cực, nhiều ao hồ đã xanh trong trở lại. Kết quả chính xác nhất chính người dân ở nơi các ao hồ Hà Nội đã được xử lý bằng chế phẩm này sẽ đánh giá rõ nhất và khách quan nhất”, bà Hiền cho biết.
Từ năm 2016, nhiều hồ nước ô nhiễm của Hà Nội đã được thí điểm sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch nước hồ. Sau khi thử nghiệm thành công tại 3 hồ: Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục sử dụng chế phẩm này xử lý các hồ trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám và nhân rộng xử lý ô nhiễm các ao, hồ trên địa bàn thành phố. Trước xử lý, nước hồ Đống Đa, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Giảng Võ… đều bị ô nhiễm hữu cơ nhẹ, một số chỉ tiêu cao hơn tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt. Riêng hồ Đống Đa, ngoài ô nhiễm hữu cơ còn bị ô nhiễm amoni, phosphat…
Từ tháng 9/2016, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã tiến hành sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước tại 86 hồ nội thành; 44 hồ ngoại thành. Kết quả sử dụng chế phẩm này để xử lý nước hồ đến nay cho thấy: các thông số thủy lý hóa không vượt ngưỡng cho phép để các loài sinh vật thủy sinh sinh trưởng và phát triển; nước hồ đã giảm ô nhiễm hơn nhiều so với trước đây khi chưa dùng chế phẩm Redoxy-3C; các loài thực vật nổi trên hồ không bị ảnh hưởng, ôxy trong nước nhiều hơn. Đến nay, cơ bản các ao hồ được xử lý bằng chế phẩm này đã trong xanh trở lại.
Sau 3 năm sử dụng, đánh giá về hiệu quả của chế phẩm này, GS Mai Đình Yên, chuyên gia về môi trường nước, Phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, cho biết đây là chế phẩm tốt nhất trong các loại hóa chất mà Hà Nội từng dùng để xử lý ô nhiễm hồ. GS phân tích: “Về cơ bản nguyên lý hóa học hoạt động của loại chế phẩm này không khác nhiều so với các loại ở Việt Nam, nhưng họ đã tìm ra một loại chất dẫn kích thích oxy tăng nhanh khi hòa tan trong nước. Chế phẩm này khi áp dụng làm sạch các hồ đã phát huy hiệu quả, khiến môi trường nước trong sạch hơn, các chỉ số oxy hòa tan đạt ngưỡng cho phép, giúp cho hệ sinh thái, thủy sinh phát triển tốt “.
Ngay từ những lần đầu áp dụng thử nghiệm bằng chế phẩm Redoxy-3C từ năm 2016, tại hồ Ba Mẫu, sau khi được xử lý bằng công nghệ Redoxy-3C, nước hồ đã trong veo, không còn hiện tượng cá chết, bốc mùi hôi thối như trước đây.“Bây giờ, chiều nào tôi cũng cảm thấy thư thái, an tâm mỗi khi ra hồ tập thể dục, môi trường rất trong xanh”, ông Nguyễn Văn Nam, sống ngay cạnh hồ Ba Mẫu, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ.
Hầu hết ao hồ bị ô nhiễm ở Hà Nội sau 3 năm sử dụng chế phẩm Redoxy-3C đều có kết quả tích cực
Đến nay, theo thông tin từ UBND TP, Hà Nội đã xử lý ô nhiễm cơ bản các ao hồ trong nội thành, ở ngoại thành số lượng các hồ chưa xử còn rất ít. Kết quả cho thấy các hồ từ chỗ bị ô nhiễm đến nay chỉ tiêu oxy hòa tan tăng trung bình từ 2-3mg/l lên 8-9mg/l. Các chỉ tiêu PH, vi sinh vật, chất thải rắn lơ lửng trong nước đã giảm và đạt chuẩn cho phép.
Bà Nguyễn Thị Lan (xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ) cho biết, từ 2016, hai hồ gần nhà bà đã được xử lý bằng chế phẩm này, kèm với đó, thời điểm đấy, TP cũng lắp đặt hệ thống lọc nước công nghệ Đức tại trạm cấp nước của thôn để thay việc dùng nước giếng do nguồn nước không đảm bảo. “Rõ ràng, ao xanh, cá bơi, đời sống đều được cải thiện nhiều”, bà Lan chia sẻ.
Diệp Anh (T/h)