Nhật Bản tài trợ công nghệ hiện đại giúp làm sạch, giảm mùi nước sông Tô Lịch

Công nghệ xử lý nước - Ngày đăng : 01:30, 13/04/2019

Chiều 11/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do tiến sĩ Tadashi Yamamura – chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản dẫn đầu.

– Nhật Bản sẽ mang thiết bị công nghệ bio-nano đặt dưới lòng sông Tô Lịch, Hà Nội để biến dòng sông thành dòng sông sạch. Với tốc độ xử lý siêu nhanh, chỉ sau 3 ngày thì mùi hôi của dòng sông này sẽ giảm nhiều.

>>> Hạn-mặn làm hàng nghìn hộ dân vùng hạ Long An “khát nước”

>>> Quảng Bình: Băn khoăn trong việc khai thác du lịch mạo hiểm

Theo báo Chính phủ, tại cuộc gặp, tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết, phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông. Đây là công nghệ bio-nano, tốc độ xử lý siêu nhanh. Với công nghệ này, chỉ sau 3 ngày thì mùi sẽ giảm nhiều. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano, sử dụng vật liệu thiên nhiên…

Ông cũng cho biết, phía Nhật Bản đã điều tra, khảo sát trong 2 năm để đưa ra đề nghị này; hy vọng công nghệ hiện đại này sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam trong vấn đề xử lý nước thải.

Thủ tướng hoan nghênh đề xuất này và cho rằng, đây là một ý tưởng tốt, phù hợp chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc; đánh giá cao việc các bạn Nhật Bản đã vận động nguồn kinh phí để thực hiện công việc này từ nguồn xã hội hóa.

Thủ tướng đề nghị các chuyên gia Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) trao đổi và làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP. Hà Nội để nghiên cứu, quyết định phương án và tổ chức thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đây là nền tảng tốt để xử lý ô nhiễm nước ở những địa phương khác. Thủ tướng tin tưởng với kinh nghiệm, phía Nhật Bản sẽ thành công trong xử lý nước thải ở Hà Nội. Sau khi thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để quyết định chủ trương.

ông Tô Lịch dài khoảng 13,5km, bắt nguồn từ cống Phan Đình Phùng chảy qua nhiều tuyến phố trong nội thành, rồi đổ ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Thế nhưng do phải gánh lượng nước thải chưa qua xử lý lớn, sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.

Vì vậy, vấn đề khắc phục cải tạo môi trường của sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu luôn được TP Hà Nội đặt ra và tìm hướng giải quyết. Nhiều chương trình, dự án về nạo vét, cải tạo sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu đã diễn ra. Trong đó, phải kể đến kế hoạch của UBND thành phố về tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Tô Lịch và Kim Ngưu đã phần nào thu được kết quả khả quan.

Tuy nhiên, dù được cải tạo, nạo vét và kè bờ, song tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch vẫn bị đánh giá là nghiêm trọng với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Có thể nói, đây là một trong những thực trạng đáng ngại nhất của sự hủy hoại môi trường tự nhiên. Chưa hết, do sự thiếu ý thức của một bộ phận dân cư, có thời điểm dọc hai bên bờ sông rác thải vứt bừa bãi, một số nơi phế thải đổ chồng chất khiến cho nước sông ô nhiễm càng nghiêm trọng. Bằng cảm quan có thể thấy, nước sông vẫn đen và bốc mùi hôi thối.

Dòng sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng nề

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, trung bình một ngày đêm sông Tô Lịch phải tiếp nhận hơn 100 nghìn m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Thế nên, dù được cải tạo, nạo vét và kè bờ đều đặn hằng năm, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch vẫn được đánh giá là nghiêm trọng với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Mới đây, một tập đoàn tiếp tục có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề xuất chủ trương cải tạo sông Tô Lịch trở thành dòng sông xanh, sạch, đẹp giống như sông Thames ở nước Anh hoặc sông Seine (Pháp).

Theo đó, nội dung trong đề xuất trên bao gồm cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng, nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên; xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất; trồng cây và các vật liệu kiến trúc mang đến cho thành phố vẻ đẹp đặc sắc văn hóa riêng của Thủ đô Hà Nội.

Cùng với đó sẽ kết nối với sông Hồng, sông Nhuệ… và một số hồ hiện có như hồ Tây tạo thành dòng đối lưu sông, hồ hài hòa để có thể xử lý thoát nước mưa và chống ngập cho thành phố… Ngay khi đề xuất trên được đưa ra, đã có không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của dự án.

Ngọc Linh (t/h)

Ngọc Linh (t/h)