TP.HCM góp ý về đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng
Y tế - Ngày đăng : 13:00, 27/09/2021
Theo đó, UBND TP HCM thống nhất về quan điểm Hướng dẫn với 2 mục tiêu của dự thảo.
Ngoài ra, UBND TP HCM có một số góp ý đối với 5 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng. Cụ thể:
Đối với chỉ số về 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19: TP HCM kiến nghị điều chỉnh thành ít nhất 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19.
TP HCM cũng đề nghị thống kê người mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh có kháng thể và sinh miễn dịch trong vòng 6 tháng vào số lượng người được tiêm đủ vắc-xin.
Đối với chỉ số thiết lập mô hình tháp 3 tầng trong điều trị F0, bảo đảm tối thiểu 2% giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh dự báo ở cấp độ 4: TP HCM đề nghị bổ sung quy định bảo đảm tối thiểu 2% giường hồi sức cấp cứu (có máy thở) và 5% giường có oxy điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế.
Với chỉ số về ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần để phân loại vùng dịch: TP HCM nhận định chỉ số này rất phù hợp với các địa phương dịch chưa bùng phát, nhưng khó đạt với những địa phương mà dịch xâm nhập sâu của chủng Delta vào cộng đồng. Vì vậy, TP HCM đề xuất thay thế chỉ tiêu này bằng số trường hợp nặng và tử vong/100.000 dân/tuần.
Ảnh minh họa.
Về chỉ số tỉ lệ tiêm vắc xin: Dự thảo của Bộ Y tế căn cứ mốc 70% trong tỉ lệ tiêm một mũi vắc-xin cho người trên 18 tuổi cùng với số ca mắc mới/100.000 dân/tuần để chia 4 cấp độ dịch, UBND TP HCM kiến nghị 2 phương án:
Phương án 1 là bổ sung mốc 95% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Địa phương đạt tỉ lệ này có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế xã hội ở một cấp thấp hơn. Nếu địa phương không đạt tỉ lệ 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ mũi vắc-xin thì phải nâng một cấp độ dịch trong trường hợp Bộ Y tế cấp đủ vắc-xin nhưng địa phương không đảm bảo tiến độ tiêm.
Phương án 2 là giữ tỉ lệ tiêm chủng như dự thảo của Bộ Y tế, nhưng chỉ số bắt buộc áp dụng cho ít nhất 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ vắc xin, nếu chỉ số này không đạt thì phải nâng lên 1 cấp độ dịch khi Bộ Y tế cấp đủ vắc xin nhưng địa phương không đảm bảo tiến độ.
Trong văn bản kiến nghị, TP.HCM đề nghị làm rõ thời gian chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch. Tại mục 3 phần II của dự thảo nêu là “trong vòng 72 giờ”, tại điểm (5) mục 3 của phần III nêu “việc tăng giảm các cấp độ dịch không được đột ngột, thực hiện trong thời gian 72 giờ”.
TP.HCM đề xuất hướng dẫn rõ nội dung này, cụ thể là việc tính các chỉ số để xác định cấp độ dịch là trên số liệu trung bình 7 ngày trước đó hay một khoảng thời gian nào khác; và chu kỳ để tính toán và xác định lại cấp độ dịch là bao lâu (theo chu kỳ 72 giờ/1 tuần tính lại một lần hay cách nào khác).
Liên quan đến biện pháp cách ly y tế, UBND TP.HCM đề xuất không cách ly tập trung F1 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung, tiết kiệm nguồn lực tài chính cho địa phương và người dân, tạo điều kiện tập trung nguồn lực để chăm sóc, điều trị F0 tốt hơn. Đồng thời, kiến nghị cho phép địa phương được chủ động và linh hoạt về phương án cách ly F1 tùy theo điều kiện cụ thể.
Về cách tính chỉ số ca nhiễm, UBND TP.HCM đề xuất chỉ số ca mắc mới cần định nghĩa rõ là ca PCR, được tính hằng tuần bằng số ca mắc mới phát hiện tại cộng đồng/100.000 dân (không tính trong các cơ sở cách ly tập trung), lấy tỷ lệ trung bình của 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển mức độ nguy cơ. Số lượng xét nghiệm tối thiểu là 1.500 xét nghiệm/100.000 dân trong 28 ngày để đánh giá đúng số ca mắc mới.
Riêng phần các biện pháp thích ứng an toàn theo cấp độ dịch, TP.HCM đề xuất nhấn mạnh đến việc tiêm đủ liều vắc xin và tuân thủ 5K trong việc quy định số lượng người tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà.
Hải Ngân