Cách nhận biết và sơ cứu khi bị ngộ độc hải sản
Y tế - Ngày đăng : 10:00, 05/10/2021
Nhận biết một số loại hải sản có độc tố mạnh
Mới đây, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh đã tiếp nhận một người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (tả biển) do ăn hàu sống. Dù đã được chăm sóc và điều trị tích cực nhưng người bệnh đã không qua khỏi. Người đàn ông 65 tuổi, trú tại TP Uông Bí, Quảng Ninh, sau khi ăn hàu tại nhà, người bệnh nôn nhiều, đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều, sốt cao, mệt nhiều. Rất nhanh người bệnh có biểu hiện huyết áp tụt, sốt cao, nổi ban nhiều trên da.
Ảnh minh họa
Qua kết quả xét nghiệm cấy máu cho thấy, người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (tả biển). Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn toàn thân và có thể dẫn đến tử vong. Vi khuẩn này sống ký sinh trong hải sản như: Cá, cua, tôm, sò, ốc, hàu, hà,… của vùng nước lợ và nước mặn, ngoài ra còn tìm thấy trong cát, bùn, nước biển bị ô nhiễm.
Vì vậy, để tránh nhiễm vi khuẩn trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn hải sản sống hoặc tái hoặc hải sản bị hỏng, chết thực hiện ăn chín, uống sôi cần lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, nhiều trường hợp bệnh nhân ăn ngoài biển, trên tàu, trên đảo, bị ngộ độc và khi đưa vào bờ thì không kịp cứu chữa, đã có trường hợp bị tử vong trên đường tới viện. Đáng chú ý, cũng giống như cá nóc, loại cua mặt quỷ không biết trước độc tố đến mức độ nào, có người đã từng ăn có thể không sao. Tuy nhiên, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại cua này. Người dân chỉ nên ăn các loại hải sản, cua, mực, tôm, ghẹ… quen thuộc. Những loại cua lạ, kỳ dị, hình hài khác thường thì không nên ăn.
Các bước sơ cứu khi ngộ độc hải sản
Bước 1: Sơ cấp cứu ổn định nạn nhân, cố gắng hạn chế tử vong
Nếu nạn nhân co giật, hôn mê: Đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên, tránh để ngã, va đập.
Thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái: hô hấp nhân tạo theo điều kiện có tại chỗ.
Nôn, tiêu chảy mất nước: nếu nạn nhân tỉnh táo, nói và ho khạc tốt, vẫn tự uống được, cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) hoặc uống nước canh rau, nước quả, nước khoáng.
Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất,
Bước 2: Các biện pháp tẩy độc
Các biện pháp này chỉ áp dụng ngoài cộng đồng khi nạn nhân còn tỉnh táo, không khó thở, toàn trạng còn ổn định, còn nói rõ và ho khạc tốt.
Gây nôn: chỉ nên thực hiện với trẻ em lớn và người lớn. Nạn nhân tự thực hiện bằng cách uống nước mỗi lần 300 -500ml nước, sau đó nằm nghiêng sang bên trái, tự dùng ngón tay sạch chạm vào phần sau lưỡi hoặc họng để gây nôn.
Uống than hoạt: thực hiện với trẻ em có thể tự thực hiện và ngưới lớn. Nếu có than hoạt mang theo trên tàu thuyền hoặc ở nhà, đặc biệt loại than hoạt dạng lỏng (ví dụ Antipois-Bmai) thì rất tốt. Uống than hoạt với liều 20-40 gam.
Đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Hải Châu