So sánh nguy cơ trở nặng của biến thể Omicron và Delta
Y tế - Ngày đăng : 08:30, 10/12/2021
Tỷ lệ trở nặng của các bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện ở Nam Phi hiện chỉ bằng một phần ba so với cùng thời điểm bắt đầu làn sóng Delta. Số liệu chính thức gợi lên hy vọng biến thể mới đã giảm mức nghiêm trọng.
Tại tỉnh Gauteng, nơi đầu tiên phát hiện Omicron, tới ngày 6/12, khoảng 2 tuần sau khi đợt dịch mới khởi phát, 139 bệnh nhân Covid-19 ở khu chăm sóc đặc biệt (ICU). Con số này tương đương 8% số bệnh nhân nhập viện.
Biến thể Omicron có khả năng nhẹ hơn các biến chủng khác.
Trong khi đó, có 393 bệnh nhân phải nằm ở ICU hai tuần sau khi Delta xuất hiện ở tỉnh trên, tương đương 24% số ca nhập viện.
Số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện ở tỉnh Gauteng đã tăng 65% so với tuần trước.
Các chuyên gia cảnh báo, số người nhập viện và trở nặng nghiêm trọng vẫn có thể vượt qua mức đã thấy trong đợt sóng Delta vào tháng 6 do mất một khoảng thời gian từ nhiễm bệnh chuyển sang trở nặng.
Tuy nhiên, dữ liệu đầy hứa hẹn từ Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia cho thấy biến thể Omicron có khả năng nhẹ hơn các biến chủng khác.
Điều này cũng khớp với thông tin từ các bác sĩ Nam Phi ở tuyến đầu. Họ cho biết, ít bệnh nhân nhiễm Covid cần máy thở hơn so với khi biến thể Delta chiếm ưu thế. Các dữ liệu thực tế khác từ Na Uy và Anh cũng ghi nhận Omicron có khả năng ít gây chết người hơn so với các biến thể khác.
Một số chuyên gia suy đoán virus có thể đã tiến hóa theo xu hướng giảm nghiêm trọng. Nhưng những người khác đặt câu hỏi, liệu đó có phải là kết quả của mức độ miễn dịch tự nhiên rất cao ở Nam Phi sau làn sóng Delta hay không.
Ca nhiễm Delta đầu tiên ở Nam Phi ghi nhận vào ngày 8/5, ca Omicron đầu tiên được công bố vào ngày 25/11.
Trong đại dịch, Nam Phi đã có 3 triệu người mắc Covid-19. Ngày 8/12 có thêm 19.000 ca bệnh mới. Hiện nước này mới có 25,5% dân số tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Minh Ngọc