Di chứng nặng nề hậu Covid-19

Y tế - Ngày đăng : 01:30, 10/01/2022

Moitruong.net.vn – Việc số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng mạnh khiến số ca mắc nặng cũng tăng. Nhiều lo ngại đặt ra những vấn đề di chứng người dân có thể đối mặt và gặp phải hậu Covid-19 như thế nào?

Theo bác sĩ, những bệnh nhân mắc Covid-19 bị tổn thương phổi, xơ phổi nặng có thể đối mặt với di chứng khó thở, hụt hơi, khó quay trở lại với công việc như trước đây.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP HCM) cho biết, F0 đã khỏi bệnh gặp hàng loạt vấn đề hậu Covid-19 mà nhiều nghiên cứu cho thấy, chúng gồm cả di chứng thể chất như xơ phổi, đột quỵ, tổn thương thận cấp, huyết khối tĩnh mạch, thở oxy kéo dài, mệt mỏi… và tâm lý, thâm thần như suy giảm nhận thức, mất ngủ, vấn đề về trí nhớ, trầm cảm là khá phổ biến.

“Các triệu chứng ở giai đoạn cấp tính có xu hướng kéo dài hơn 4 tuần và có thể trở thành mạn tính nếu không can thiệp y khoa kịp thời”, bác sĩ Sang nói.

Trong đó, tình trạng ho, khó thở, mệt mỏi, thở dốc… do xơ phổi kéo dài thường gặp nhất ở các cựu F0. Bác sĩ Sang lý giải, nCoV thường tấn công mạnh mẽ nhất vào phổi người bệnh, gây ra các tổn thương. Dù những tổn thương này đã được chữa lành nhưng cũng sẽ để lại các mô xơ, gây sẹo rải rác ở phổi. Các sẹo này không thể phục hồi về trạng thái ban đầu, giống như sẹo trên da.

Triệu chứng khó thở kéo dài do COVID-19 có thể gây tổn thương tim

Phân tích sâu hơn, bác sĩ Trần Văn Ngọc (Chủ tịch liên chi hội Hô hấp TP HCM) cho biết khi virus xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ giải phóng các cytokine gây viêm ức chế virus. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của một số người phản ứng thái quá, khiến tình trạng viêm ồ ạt (cơn bão cytokine) tấn công ngược lại cơ thể, làm các cơ quan nội tạng suy kiệt, nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân tử vong. Nếu người bệnh vượt được cơn bão thì chức năng một số cơ quan bị tổn thương cũng suy giảm. Xơ phổi chính là một hậu quả của cơn bão cytokine.

Nếu xơ phổi mới, tổn thương ít thì không nguy hiểm, bệnh nhân xuất viện được điều trị kịp thời sẽ hồi phục nhanh, hoàn toàn trong vài tháng. Trường hợp không can thiệp thì xơ phổi có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí vĩnh viễn. Nếu xơ phổi nhiều có thể gây các bệnh lý nghiêm trọng khác, như ảnh hưởng đến trao đổi khí thì bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp; tăng áp lực động mạch phổi dẫn đến tâm phế mạn (tim phải phì đại do bệnh mạn tính ở phổi).

Theo bác sĩ Sang, lứa tuổi bị tác động hậu Covid-19 nhiều nhất là nam giới từ 30 tuổi và nữ giới từ 35 tuổi trở lên. Người càng lớn tuổi, có kèm các bệnh nền mạn tính như ung thư, tăng huyết áp, tiểu đường… dễ mắc Covid-19 kéo dài. Nguyên nhân là hệ miễn dịch và sức khỏe vốn đã yếu, sau cơn bạo bệnh thêm giảm sút, làm giảm khả năng phục hồi.

Đặc biệt, 70% bệnh nhân từng mắc Covid-19 phải nằm hồi sức (ICU), thở máy, ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể)… càng nguy cơ cao bị di chứng Covid-19 nặng và kéo dài. Cơ quan nào tổn thương nhiều nhất sẽ để lại di chứng lâu nhất. Việc bắt buộc phải dùng máy móc hỗ trợ sinh tồn, cộng với tác dụng phụ của thuốc kháng viêm, kháng đông liều cao cũng là một nguyên nhân làm cơ thể chậm hồi phục.

Bên cạnh đó, các di chứng tâm lý, tâm thần hậu Covid-19 cũng là vấn đề phổ biến và đáng quan tâm hiện nay. Một khảo sát tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện, có 53,3% bệnh nhân tại đây (mức độ trung bình và nặng) bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Những bệnh nhân từng thở oxy lưu lượng cao (HFNC), thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Khoảng 67% bệnh nhân mong muốn được tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong điều trị và sau khi xuất viện.

Theo thạc sĩ Trần Quang Trọng (chuyên viên khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh), cú sốc về mặt tâm lý như mất người thân do đại dịch, chứng kiến các đồng bệnh qua đời, bản thân bị bệnh tật giày vò, phải đối mặt với cái chết, cô đơn khi đi điều trị một mình… nhưng không thể điều hòa được cảm xúc về bình thường sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý, mất ngủ, trầm cảm… ở F0 khỏi bệnh.

Covid-19 cũng có thể là “giọt nước làm tràn ly” khiến bệnh nhân đã có tổn thương tâm lý từ trước bùng nổ cơn trầm cảm. Như trường hợp một người đàn ông 61 tuổi mất liên lạc với gia đình, khi mỗi người đi điều trị Covid-19 một nơi, lúc xuất viện về nhà, ông mới biết người mẹ 80 tuổi đã qua đời. Vốn dĩ từng muốn tự vẫn vì cảm thấy bất lực khi không thể chăm sóc cho mẹ, cộng thêm cú sốc mất mẹ, ông càng hối hận, tự trách mình không làm tròn chữ hiếu. Người đàn ông suy nghĩ nhiều đến mức mất ngủ hai tháng, uống thuốc an thần cũng không có tác dụng, kéo theo sụt cân, đi lại khó khăn, anh Trọng kể.

Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, mất ngủ, trầm cảm kéo dài làm người bệnh ngại tiếp xúc, sống khép kín, không phát triển được bản thân, từ đó ảnh hưởng đến công việc, thu nhập. Nếu các con không đưa người đàn ông đến khám sớm, tình trạng mất ngủ này kéo dài trên 6 tháng thì nó sẽ trở thành mạn tính. Hoặc bệnh trầm cảm (vốn dĩ đã là bệnh mạn tính) không được điều trị ở giai đoạn sớm, với phác đồ cá nhân hóa, bài bản, hay người bệnh bỏ dở điều trị giữa chừng, để bệnh tái phát thì nguy cơ cao ông phải sống với trầm cảm suốt đời, anh Trọng cho biết.

Các chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu, theo dõi di chứng hậu Covid-19 diễn ra trong thời gian chưa dài, nên không thể nói chắc chắn rằng di chứng nào là vĩnh viễn hay ngắn hạn; hay chúng sẽ hết do tự nhiên hay điều trị. Do đó, sau khỏi Covid-19 mà có bất thường về chức năng như khó thở, mất ngủ, đau khớp, đau đầu, rối loạn nhịp tim… người bệnh nên đi khám để được đánh giá toàn diện chức năng các cơ quan, mức độ tổn thương, để có hướng điều trị phù hợp, tránh tình trạng phát sinh bệnh mới hậu Covid-19.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải – Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho hay, tổn thương nặng nhất đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 đó là tổn thương về phổi, hô hấp.

Theo ông Hải, giai đoạn đầu là sự tấn công của virus SARS-CoV-2, giai đoạn sau đó là sự tương tác của cơ thể, tổn thương phổi đòi hỏi phải có nhiều thời gian để hồi phục dần. Đây là tổn thương nguy hiểm nhất đối với hậu Covid-19, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ của người bệnh. Bên cạnh đó còn có những tổn thương khác như bệnh nhân nằm hồi sức lâu cũng có thể bị tổn thương yếu cơ toàn thân, loét tuỳ đè, đột quỵ, bệnh lý nền kèm theo…

“Những người bị tổn thương phổi lớn hai bên, thậm chí không còn chỗ nào tình trạng phổi lành nữa rất khó qua khỏi. Có trường hợp có thể vẫn huy động được một số vùng phổi đảm bảo đủ chức năng có thể tiếp nhận đủ oxy từ bên ngoài đưa vào cơ thể.

Có trường hợp bệnh nhân nặng sau 2 tháng điều trị hồi sức tích cực về nhà đã bỏ được oxy chứng tỏ một số vùng phổi cũng đã lành trở lại và phục hồi được. Đó là điều hy vọng để chúng tôi phục hồi chức năng hô hấp sớm cho bệnh nhân, kể cả vấn đề về tâm lý bệnh nhân”, ông Hải chia sẻ.

Có người bị di chứng hậu Covid-19 là rối loạn tâm thần, trầm cảm

Để hạn chế những tác động hậu Covid-19, vấn đề này, bác sĩ Chu Thị Quỳnh Thơ, Quyền Trưởng Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: Người khỏi Covid-19 có thể thực hiện những bước dưới đây để giúp quản lý và đối phó với căng thẳng:

– Ngừng xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội. Việc nghe đi nghe lại về đại dịch Covid-19 có thể là một chuyện gây khó chịu.

– Chăm sóc cơ thể của mình.

– Hít thở sâu, vươn vai, thiền…

– Cố gắng ăn các bữa ăn lành mạnh, có đầy đủ chất dinh dưỡng.

– Tập thể dục (nếu có thể).

– Ngủ nhiều.

– Tránh rượu và chất kích thích.

– Dành thời gian thư giãn, thực hiện một số hoạt động mà bản thân yêu thích.

– Kết nối với người khác, nói chuyện với những người mà bạn cảm thấy tin tưởng về mối quan tâm và cảm giác của bạn.

– Cần hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại, thiết bị điện tử liên tục trong ngày.

Với người cao tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình và được người thân động viên, giúp đỡ sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh Covid-19 rất tốt. Các thành viên trong gia đình nên khuyến khích người đã khỏi bệnh Covid-19 tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách, báo, tham gia bàn luận về tin tức trong ngày… cũng đóng góp đáng kể cho việc phục hồi sức khỏe.

Nếu các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài hoặc có tiến triển nặng lên, người bệnh cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phương Nhi

Phương Nhi