Tiền Giang: Tháo dỡ các công trình ngăn mặn, đón nước ngọt vào sản xuất
Công nghệ xử lý nước - Ngày đăng : 10:02, 04/05/2021
Ngày 4/5, Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng TiCCO- Tiền Giang tổ chức lực lượng, phương tiện tháo dỡ đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành, thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành.
Đây là đập thép ngăn mặn tạm thời có quy mô lớn ở khu vực ĐBSCL, có chiều dài gần 80m, ngang 6m. Việc tháo dỡ công trình này phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo không gây sạt lở 2 bên bờ kênh và hư hỏng vật liệu thép.
Đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành
Trước đó, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện hoàn thành việc tháo dỡ 7 đập thép trên các kinh, rạch: Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười (huyện Châu Thành và Cai Lậy).
Các đập thép ngăn mặn ở tỉnh Tiền Giang đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vào các tháng mùa khô vừa qua. Việc tháo dỡ các công trình tại thời điểm này nhằm đón nhận nguồn nước ngọt từ hệ thống sông chính, đồng thời khắc phục tình trạng nguồn nước trong kênh mương nội đồng có nguy cơ bị ô nhiễm, phục vụ lưu thông các phương tiện thủy.
Nhờ hệ thống đập ngăn mặn, đã đảm bảo đủ nước ngọt cho 1,1 triệu dân cùng 128.000 ha sản xuất nông nghiệp tại hai tỉnh Tiền Giang và Long An.
Các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt này được tỉnh đầu tư với kinh phí 45 tỷ đồng, thi công hồi tháng 1. Các dầm thép từ đập tạm sẽ được bảo quản để sử dụng cho mùa hạn mặn năm sau. Về lâu dài, Tiền Giang kiến nghị Trung ương đầu tư hệ thống cống đóng, mở trên kênh Nguyễn Tấn Thành làm hồ trữ nước ngọt với kinh phí 400 tỷ đồng.
Hải Châu