Người có triệu chứng mắc COVID-19 nhưng test vẫn âm tính, cần làm gì?
Y tế - Ngày đăng : 08:30, 03/03/2022
Theo các chuyên gia, người có triệu chứng điển hình của Covid-19 song test nhanh âm tính có thể đang trong thời gian ủ bệnh hoặc đã nhiễm nhưng nồng độ virus ở mức độ thấp. Do đó, xét nghiệm kháng nguyên kết quả âm tính giả, xét nghiệm PCR dương tính.
Một số người thao tác tự lấy mẫu test nhanh có thể không đúng cách dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác (âm giả trong khi thực tế dương).
Hoặc một số người bị cúm song nhầm tưởng mình mắc Covid-19 vì các triệu chứng gần giống nhau.
Xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng cho rằng:
Nhiều người thật sự không mắc Covid-19 và kết quả test nhanh cũng âm tính nhưng họ cứ nghĩ bản thân mình nhiễm. Cùng với đó, thời tiết hiện nay dễ gây ra các bệnh đường hô hấp trên, đặc biệt khu vực phía Bắc.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kit xét nghiệm của nhiều hãng sản xuất, do đó độ nhạy và độ đặc hiệu của mỗi loại sẽ khác nhau.
Kết quả xét nghiệm nhanh cũng phụ thuộc thời điểm và quy cách lấy mẫu. Với tốc độ lây lan của biến chủng Omicron rất nhanh, dù người bệnh đã nhiễm và có khả năng lây cho người khác nhưng test nhanh vẫn âm tính vì có thể kit xét nghiệm cho kết quả chậm, theo nghiên cứu là 1 – 2 ngày. Ngoài ra, chất lượng các loại kit xét nghiệm hiện có trên thị trường không đồng đều, điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả test nhanh.
Khi người dân có triệu chứng nghi ngờ hay yếu tố dịch tễ nên dùng kit xét nghiệm chất lượng và lấy mẫu đúng cách. Nếu vẫn cần kết quả khẳng định thì mới thực hiện RT-PCR.
Thùy Linh