Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19
Y tế - Ngày đăng : 05:00, 09/04/2022
Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Thành viên Ban Chỉ đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương có Trưởng Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Bí thư tỉnh, thành Ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết kể từ sau Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến như xung đột tại Ukraine, lạm phát tăng cao tại một số nước, giá nguyên liệu đầu vào, giá dầu thế giới tăng, giá dịch vụ logistics tăng… đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong nước cũng bộc lộ những khó khăn nội tại. Do đó, chúng ta vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa phải xử lý các vấn đề đột xuất, nảy sinh, đặc biệt cả nước tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy có nhiều khó khăn, thử thách, song tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, với số ca chuyển nặng, tử vong giảm sâu. Kinh tế-xã hội phục hồi nhanh và tăng trưởng khá. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Chính trị ổn định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường, đạt hiệu quả. Chúng ta đã mở cửa du lịch trở lại, đón phần lớn học sinh đến trường…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Mặc dù vậy, tình hình dịch bệnh vẫn khó dự báo, nhất là có thể xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2, việc phòng, chống dịch sẽ hết sức khó khăn, do đó hơn lúc nào hết, chúng ta không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng cho biết việc tổ chức phiên họp này nhằm đánh giá lại kết quả trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua; rút ra bài học kinh nghiệm; thảo luận, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản, giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 8,5 triệu người đã khỏi bệnh. Trong tuần qua, số mắc trong cộng đồng giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%. So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này.
Ban Chỉ đạo nhận định tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 03 tuần đầu của tháng Ba vừa qua do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng Ba đến nay. Trong 03 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày.
Nguyên nhân một phần do tỷ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên và đáp ứng yêu cầu tốt hơn.
Tuy vậy tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, trong thời gian tới đây, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch, nhất là trong các dịp nghỉ lễ kéo dài sắp tới.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thế giới ghi nhận trên 494 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,1 triệu trường hợp tử vong, riêng trong tuần qua có trên 8,5 triệu ca mắc mới (giảm 19%), trên 24.000 trường hợp tử vong (giảm 17%).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình dịch COVID-19.
Tại Trung Quốc, Thượng Hải là đang điểm nóng với hơn 21.000 ca mắc mới được ghi nhận vào ngày 7/4. Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược “Zero Covid” và hàng loạt các biện pháp phong tỏa, cách ly và xét nghiệm quy mô lớn được Trung Quốc thực hiện quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Một số nước Đông Nam Á đã đưa các tiêu chí để coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Indonesia quy định để coi COVID-19 là bệnh lưu hành, tỷ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỷ lệ dương tính phải dưới 1% dân số; Thái Lan từ ngày 1/7/2022 sẽ coi COVID-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỷ lệ này là gần 0,2%), theo đó sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ với những người đang nhiễm bệnh.
Trong bối cảnh số ca nhiễm nặng và tử vong giảm, tỷ lệ bao phủ vaccine tăng, số ca mắc mới được ghi nhận giảm liên tục trên toàn cầu. WHO nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Về số ca mắc, Việt Nam đứng thứ 12/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày, trong đó: từ 150.000 ca mắc mới mỗi ngày xuống còn trên dưới 50.000 ca mỗi ngày, số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine; số tử vong từ hơn 50 ca mỗi ngày xuống còn hơn 30 ca mỗi ngày
Giang Anh