Du lịch xanh tại Quảng Ninh: Xu hướng phát triển du lịch bền vững
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 15:02, 20/12/2016
– Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, kết hợp với giáo dục môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Những năm gần đây, loại hình du lịch xanh đã thu hút được sự tham gia tích cực của cộng đồng và phát triển nhanh chóng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo các đối tượng khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Du lịch xanh là mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Mô hình du lịch này đã mang lại nhiều thành công trong việc phát triển du lịch ở nhiều địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhiều sản phẩm du lịch như khám phá các làng chài bằng thuyền nan, tổ chức cho khách câu cá, kéo lưới, tour “một ngày làm nông dân”, tour “ba cùng” với nông dân – cùng ăn, cùng ở và cùng làm các công việc hàng ngày như: gặt lúa, làm vườn… đã đem lại nhiều hiệu quả. Những chuyến đi dân dã luôn tạo ra sự trải nghiệm thú vị cho du khách muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa con người Quảng Ninh.
Du khách trải nghiệm úp nơm bắt cá dưới sự hướng dẫn của người dân.
Trong số các dịch vụ du lịch xanh, tour “ba cùng” tại xã Yên Đức, thị xã Đông triều đặc biệt được du khách yêu thích, đem lại nhiều thành công nhất định. Từ một cộng đồng dân quanh năm chỉ biết làm ruộng đến nay người dân ở Yên Đức, sau khi tham gia vào các dịch vụ du lịch, đời sống người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt.
Ông Đoàn Văn Dũng, chủ tịch HĐQT công ty du lịch Sen Á Đông chia sẻ: “Quảng Ninh là một vùng đất như là một Việt Nam thu nhỏ, có rất nhiều tài nguyên du lịch từ vùng biển, vùng đồng bằng tới miền núi, đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Quy hoạch du lịch Quảng Ninh đã và đang định hướng, xây dựng một triết lí phát triển du lịch để tạo cho du khách những trải nghiệm tới cảm xúc rung động trước cảnh quan thiên nhiên, trước sự đa dạng và khác biệt của văn hóa miền núi”Xét về tiềm năng, Quảng Ninh rất sẵn để phát triển du lịch xanh. Ngoài những thuận lợi về cảnh quan và sinh hoạt văn hóa của ngư dân sống trên vịnh, ven bờ vịnh thì Quảng Ninh còn rất nhiều địa phương miền núi có vẻ đẹp hoang sơ của phong cảnh núi rừng, hệ thống đường biên giới, nhiều di tích ghi đậm dấu ấn lịch sử – văn hóa cách mạng.
Những ngôi nhà đặc trưng Bắc bộ làm nơi nghỉ ngơi cho khách là điểm nhấn của du lịch làng quê Yên Đức.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch – Khách sạn, Trường ĐH Kinh tế Quốc Dân đánh giá tỉnh Quảng Ninh có nhiều tài nguyên du lịch về cảnh quan và văn hóa có giá trị cho phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thực sự được phát huy đúng mức.
PGS – TS Phạm Trương Hoàng nói: “Khả năng tiếp cận các điểm du lịch này mới chỉ thu hút một số lượng khách rất đặc thù. Điều kiện xã hội, điều kiện phát triển kinh tế, điều kiện hạ tầng tại các thôn bản rồi nhận thức, trình độ người dân cần phải được nâng lên, đồng thời cần phải cải tiến hệ thống đường xá, giao thông làm sao cho khách du lịch có thể tiếp cận dễ dàng hơn”.Từ ngày bà con ngư dân trên Vịnh tham gia làm du lịch, đời sống cải thiện rõ rệt.
Việc tham gia những chuyến du lịch xanh này giúp du khách nhận thức rõ tầm quan trọng của thiên nhiên, sự tác động qua lại giữa hệ sinh thái và chất lượng sống của con người. Hiện nay, Quảng Ninh đang từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành mũi nhọn, góp phần vào quá trình vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống dân sinh.Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc phụ trách Sở du lịch Quảng Ninh cho rằng: “Trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng trưởng về số lượng, du lịch Quảng Ninh tập trung nâng cao về số lượng, hướng tới một nền du lịch xanh bền vững, phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, gìn giữ cảnh quan, môi trường, góp phần xây dựng Quảng Ninh là điểm đến an toàn, thân thiện”.
Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi với núi non hùng vĩ, sự đa dạng về văn hóa cùng sự hòa đồng giữa thiên nhiên, con người. Phát triển du lịch xanh là con đường ngắn nhất để xóa đói giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Để phát triển du lịch một cách bền vững thì cần đến bàn tay và khối óc của con người, với những định hướng chiến lược tổng thể, Quảng Ninh sẽ trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo VOV