Ô nhiễm khói thuốc lá: Hại mình, hại người
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 07:25, 29/12/2015
() – Người hút thuốc lá không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn hại sức khỏe của bản thân họ và những người xung quanh. 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư từ khói thuốc lá thải vào môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người kể cả có hút thuốc hay không.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS ONE đã cho thấy khói thuốc ô nhiễmvà tàn thuốc có thể gây hại cho sức khỏe.
Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu nói khói thuốc ô nhiễm còn lại trên bề mặt vật dụng theo thời gian sẽ ngày càng trở nên độc hại hơn. Tác động đến sức khỏe của khói ô nhiễm Nhóm nghiên cứu giải thích: Các nguy hại không chỉ ảnh hưởng đến người hút thuốc lá. Ngay cả sau khi người hút di chuyển ra khỏi nhà hoặc khách sạn, khói thuốc ô nhiễm và chất gây ung thư đi kèm với nó vẫn còn tồn tại ở đó.
Để tiến hành nghiên cứu, nhóm nghiên cứu – dẫn đầu bởi Giáo sư Manuela Martins -Green của UCR – nghiên cứu ảnh hưởng củakhói thuốc ô nhiễm trên chuột, xem xét “một số hệ thống cơ quan trong điều kiện mô phỏng tiếp xúc với khói ô nhiễm của con người”. Sau khi tiếp xúc với khói thuốc ô nhiễm, những con chuột đã có sự thay đổi trong một số cơ quan, các mức độ chất gây ung thư của thuốc lá tương tự như ở trẻ em phải đối mặt với khói thuốc lá.
Bác sĩ Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức Heathbridge Canada, cho rằng nhà hàng ăn uống là địa điểm công cộng bị ô nhiễm khói thuốc nhiều nhất. Một điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam năm 2010 cho thấy 80% người được hỏi cho biết thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động khi đến nhà hàng, tiếp theo mới là quán rượu, quán cà phê…
“Người hút thuốc bị ảnh hưởng và còn làm hại cả người xung quanh, nhất là trẻ em khi hít phải khói thuốc. Chất độc đầu điếu thuốc đang cháy thải ra môi trường cao hơn rất nhiều so với khói thuốc do người hút thuốc thở ra”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới nói. Theo ông, ước tính cứ 10 người hút thuốc chết thì có một người tử vong do hít khói thuốc thụ động.
Thuốc lá còn là nguyên nhân của các bệnh tim mạch, bệnh phổi, viêm đường hô hấp, sức khỏe sinh sản – sinh dục… Ngoài ra, từ miệng, họng, hầu, thực quản xuống đến dạ dày, tụy, thân, niệu quản, buồng trứng, bàng quang, máu… từng cơ quan đều bị ảnh hưởng bởi khói thuốc.
Khói thuốc lá trong nhà như ô nhiễm tại các thành phố lớn
Những người sống chung với người nghiện thuốc lá phải tiếp xúc với các phần tử gây ô nhiễm cao hơn gấp nhiều lần so với những hộ gia đình không có người hút thuốc lá.
Theo các nhà nghiên cứu, mức độ ô nhiễm này cũng tương đương mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay London.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Aberdeen (Scotland) đã đo nồng độ các phần tử trong không khí như bụi và các chất có trong khói thuốc lá của gần 100 hộ gia đình có người hút thuốc lá và gần 20 hộ gia đình sống lành mạnh.
Kết quả so sánh cho thấy nồng độ của các chất gây ô nhiễm ở các hộ có người hút thuốc lá cao hơn gấp 10 lần khi so với các hộ gia đình sống không có khói thuốc lá. Nếu tính trung bình thì những người sống trong môi trường có khói thuốc lá phải tiếp xúc với các chất độc hại cao hơn gấp ba lần so với giới hạn tiếp xúc theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới.
Các nhà nghiên cứu cũng ước tính nếu một hộ gia đình có người hút thuốc, sau đó cai nghiện để trở thành hộ gia đình không có khói thuốc lá sẽ cắt giảm được 70% các chất ô nhiễm hít vào. Điều này thật sự có ý nghĩa cho những hộ gia đình có trẻ em hay người cao tuổi.
Ô nhiễm khói thuốc có liên quan đến các bệnh gan, phổi và da
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học California – Riverside (UCR), khói thuốc lá ảnh hưởng đến khoảng 1,5 tỷ người hút thuốc trên toàn thế giới, nhưng nhiều hơn vài tỷ người nữa lại mắc “nguy cơ tổn hại sức khỏe” khi tiếp xúc với khói thuốc lá. Mặc dù nhiều bậc cha mẹ hút thuốc có thể tránh để con cái của họ tiếp xúc với khói thuốc lá, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng ảnh hưởng của khói thuốc ô nhiễm cũng rất nguy hiểm.
Họ trích dẫn nghiên cứu trước đây cho thấy trẻ em sống cùng nhà với người lớn hút thuốc nghỉ học nhiều hơn 40% so với ngày trẻ em không sống với người hút thuốc. Medical News Today gần đây công bố trong một nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với khói thuốc lá có liên quan đến bệnh hen suyễn tái phát của trẻ em.
Cụ thể, khói thuốc ô nhiễm làm tăng lượng mỡ và bệnh gan nhiễm mỡ không cồn, và là tiền thân dẫn đến xơ gan, ung thư và bệnh tim mạch. Nó cũng khiến tăng sản xuất collagen và mức độ viêm cytokine trong phổi, trong đó có tác động đối với xơ hóa, bệnh phổi và hen suyễn. Tốc độ lành da khi bị thương của những con chuột chậm hơn và biểu hiện nhiều hành vi hiếu động.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc kiểm soát hút thuốc đã cứu sống 8 triệu người kể từ năm 1964. Và nghiên cứu khác cho thấy những người muốn cai thuốc sẽ dễ thành công hơn khi sống ở những thành phố cấm hút thuốc nơi công cộng.
Tuy nhiên, Giáo sư Martins – Green nói rằng vẫn cần thiết phải nghiên cứu động vật để phân tích những tác động sinh học khi tiếp xúc với khói thuốc ô nhiễm. Cô cho biết thêm: “Các nghiên cứu này có thể xác định những rủi ro sức khỏe tiềm năng của con người, thiết kế thử nghiệm lâm sàng có thể đóng góp để đưa ra những chính sách làm giảm cả việc tiếp xúc và bệnh tật”
Trong các nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy rằng tiếp xúc với khói thuốc ô nhiễm dẫn đến những thay đổi có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 ở những người không béo phì.
Chia sẻ tại hội thảo tập huấn thực thi nhà hàng không khói thuốc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, mới đây, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, thuốc lá là nguyên nhân thứ hai trong số các nguy cơ gây tử vong, sau dinh dưỡng và trên huyết áp, rượu bia. Thuốc lá gây ra 11 loại ung thư khác nhau, nhiều nhất là ung thư phổi, khí quản, phế quản; 75-95% ca ung thư phổi, phế quản là do thuốc lá. Ung thư phổi đứng hàng đầu trong ung thư ở nam giới nước ta với 20.000 ca tử vong mỗi năm.
Chuyên gia này khuyến cáo các nhà hàng cần thực hiện nghiêm túc quy định không khói thuốc. Một số chủ nhà hàng vẫn còn hiểu lầm khói thuốc thụ động không có hại. Nhiều nhà hàng không muốn thực hiện quy định này vì sợ làm mất lòng khách. Thực tế khoảng 70% dân số nước ta là những người không hút thuốc. Đa số người dân ủng hộ quy định cấm hút thuốc trong nhà hàng.
(Theo VnExpress)