Rực rỡ sắc xuân những phiên chợ Tết vùng Tây Bắc

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 03:02, 26/01/2017

(Moitruong.net.vn)

– Đến các chợ phiên Tây Bắc những ngày cuối năm, chân bước đi nhưng lòng chẳng muốn về. Phải chăng sắc xuân và tình người đã níu giữ tâm hồn…

Chợ tết ở đâu cũng đông vui, tấp nập nhưng chợ tết tại vùng cao Tây Bắc đông và nhộn nhịp đến lạ thường. Người đi chợ tết đông đến mức chợ họp tràn ra cả hai bên đường. Điều để lại ấn tượng là sắc màu của phiên chợ. Những phiên chợ Tây Bắc là nơi hội tụ của nhiều thành phần dân tộc từ khắp các bản, địa phương xuống họp chợ. Sắc màu sặc sỡ của những chiếc váy áo, trang phục của đồng bào các dân tộc làm sắc màu chợ phiên thêm đẹp và quyến rũ.

nhộn nhịp chợ phiên ngày Tết

Nhộn nhịp những phiên chợ ngày Tết

Từ trên các bản cao, từng đoàn người Mông cùng những chú ngựa thồ hàng xuống chợ trong không khí vui vẻ và khí thế. Tiếng chân ngựa lóc cóc trên đường càng làm cho không gian chợ phiên thêm nhiều âm sắc. Chợ tết vùng cao Tây Bắc hiện ra đúng không khí của những phiên chợ tết quê nơi sơn thẳm. Chính những mặt hàng chỉ có ở ngày chợ tết đã làm nên cái sắc màu đậm chất truyền thống, đậm chất quê của phiên chợ này.

Những hàng bán hương tết do chính tay đồng bào làm ra thơm ngào ngạt cả phiên chợ khá nhiều khách. Những can rượu nếp, rượu gạo, rượu chuối, rượu sắn chưa thử nhấp môi đã thấy ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Những hàng cam sành vàng ươm dậy lên mùi vị cam bưởi của tết quê. Rồi những dãy bán vịt, gà với những chú gà sống thiến mào đỏ như cục tiết… Thêm vào đó là hàng rau các loại của người Mông, những sản phẩm của đồng bào từ trên núi xuống như mộc nhĩ, măng khô, gừng tươi, lạc, các hạt gia vị và cả măng vầu đầu mùa mới đào.

Chợ Cán Cấu (Si Ma Cai, Lào Cai)

Là một trong những phiên chợ lớn nhất vùng Tây Bắc, chợ Cán Cấu chỉ họp vào thứ 7 hàng tuần nên rất đông vui, nhộn nhịp. Đối với người dân vùng cao, đi chợ không chỉ đơn giản để mua bán hàng hóa, mà còn để được giao lưu, trao đổi sau những ngày lao động mệt nhọc. Vì vậy trên khắp các nẻo đường, từ sườn ngọn núi, những con dốc, đường mòn, bà con dân tộc người đi bộ, người cưỡi ngựa, đi xe máy rộn ràng đổ về chợ.

Có người cắp con lợn đen trũi, có chị, có bà gùi trên vai đủ các loại nông sản như ngô, gạo hay những nắm rau xanh mướt mới hái trong vườn. Chợ họp đơn giản, người ta chỉ cần trải tấm áo mưa rồi bày bán những tảng thịt, con gà, xâu cá, vài nải chuối xanh hay chai mật ong rừng mới lấy được. Ở phiên chợ này, ớt khô được bày bán rất nhiều. Người ta không bán từng quả, mà ớt khô nguyên quả được kết lại từng chùm lớn, chùm bé trông rất hấp dẫn.

Khi mặt trời đứng bóng, những chảo thắng cố lớn nghi ngút khói ở góc chợ đã vơi, những vò rượu ngô thơm nồng đã cạn mà câu chuyện vẫn như chưa dứt, trai gái bản chia tay nhau, lục đục kéo nhau về, niềm vui rạng ngời trên gương mặt.

Chợ Bát Xát (Lào Cai)

Phiên chợ Tết ở Bát Xát năm nào cũng đông vui dù thời tiết vùng cao vào mùa này lúc nào cũng giá rét. Chợ họp ngay giữa một bãi đất trống bằng phẳng, gió lùa tứ phía nhưng không vì thế mà kém phần tấp nập. Trong một góc chợ rực rỡ sắc màu của những chiếc khăn đội đầu, hay váy áo của những cô gái Mông, người ta tranh nhau mặc cả những món đồ, tấm vải thổ cẩm thêu với đường nét tinh xảo.

Ở một góc khác, người ta bày bán những bó lá dong nếp xanh mướt được xếp thành hình tròn, những bó lạt buộc được chẻ mỏng một cách khéo léo hay những ống nứa bánh tẻ gióng dài dùng để bó giò. Tiếng cười nói, tiếng í ới, tiếng mặc cả rộn ràng cả một góc chợ. Ai ai cũng muốn bán hàng cho nhanh rồi lại tranh thủ đi sắm Tết. Đông khách nhất vẫn là những hàng bán quần áo, giày dép, thực phẩm ngày Tết. Người dân tranh thủ mua bán rồi mời nhau vào quán ăn bát thắng cố, bát phở hay uống chén rượu ngô cho đến say mềm.

Vui nhất là đám thanh niên đến chợ để tìm bạn, ngắm những thiếu nữ dân tộc trong trang phục rực rỡ. Họ thổi khèn môi, tiếng khèn réo rắt như mời gọi bạn tình, làm say đắm lòng người.

Chợ Mèo Vạc (Hà Giang)

Ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, người ta thường nói đến những phiên chợ lùi độc đáo. Gọi là chợ lùi bởi thay vì 7 ngày mới họp một phiên, người dân ở đây sẽ họp 6 ngày một lần, tuần sau lùi so với tuần trước một ngày.

Phiên chợ Tết của đồng bào dân tộc thiểu số

Phiên chợ Tết của đồng bào dân tộc thiểu số

Chợ phiên thường họp từ 5h sáng cho đến 3 – 4h chiều thì tan. Người xuống chợ đủ các thành phần, người già, trẻ con, trai gái bản đều nô nức. Chợ họp sớm nên để đến được chợ, người ta phải dậy từ 3 hoặc 4 giờ sáng, chủ yếu đi bộ. Có đứa trẻ vẫn say ngủ trong khi được mẹ gùi xuống chợ. Trên lưng những bà những mẹ, quẩy tấu đựng gạo, ngô, tảng thịt lợn… cứ theo nhau xuống núi.

Ngay từ ven đường vào chợ, những sọt cam, quýt vàng óng đã được chất đống, giá từ 15.000 đến 20.000 đồng một kg. Trong chợ bày bán nhiều nhất vẫn là quần áo, thực phẩm, hay hàng đồ chơi cho trẻ con. Mọi người tranh thủ chọn những mặt hàng để phục vụ cho mấy ngày tết. Trẻ con tung tăng nô đùa trong chợ, háo hức khi được mẹ mua cho món đồ chơi, quần áo, hay giày dép mới.

Trong góc chợ, anh thợ cắt tóc với bộ đồ nghề đơn giản luôn tất bật, làm việc luôn tay vì còn nhiều khách đang chờ đợi. Người già, trẻ con, ai cũng muốn có một kiểu tóc mới đón Tết. Chiều về, khi mặt trời dần khuất bóng chợ mới tan. Trên khắp các nẻo đường về bản, du khách dễ dàng gặp hình ảnh người dân dắt ngựa chở lỉnh kỉnh đồ đạc theo những con đường núi trở về nhà.

Chợ Xín Mần (Hà Giang)

Cách thị xã Hà Giang chừng gần 150 km, chợ huyện Xí Mần, một huyện ở cực Tây của Hà Giang cũng tấp nập khác hẳn những phiên chợ thường ngày. Vào dịp này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các cô gái Lô Lô, Hà Nhì, Pà Thẻn xúng xính trong những bộ váy áo mới, màu sắc sống động, gương mặt ai cũng trắng trẻo, xinh xắn.

Không giống như các chợ vùng xuôi có nhiều các ki ốt, ngăn ô bán hàng, chợ Tết ở đây thường là những quầy mái che đơn giản song hàng hóa vẫn luôn phong phú, đủ các loại hàng Tết như bánh mứt, gà, vịt, quần áo, thực phẩm gói bánh chưng, tiền vàng, tranh ảnh, lịch năm mới… Người mua kẻ bán không mặc cả, không nói thách nên thường việc mua bán diễn ra nhanh chóng.

Ở phiên chợ, nhiều thanh niên thường mang theo khèn, những chiếc đài phát thanh nhỏ bật các bài hát dân ca trữ tình. Các cô gái đi thành từng tốp, cầm ô thỉnh thoảng lại liếc nhìn các chàng trai, cười bẽn lẽn. Cũng từ phiên chợ, nhiều đôi trai gái đã bén qua điệu múa, tiếng khèn môi réo rắt để rồi mỗi phiên chợ lại trở thành nơi hò hẹn

Anh Phương

Anh Phương