Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị tăng cường ứng phó với lũ và triều cường khu vực Nam Bộ
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 11:30, 22/10/2018
Để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ và triều cường khu vực Nam Bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, triều cường chủ động các biện pháp ứng phó.
>>>Colombia: Ít nhất 9 người thiệt mạng do lở bùn
>>>Quảng Nam: Hai trận động đất xảy ra liên tiếp
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong thời gian vừa qua, lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên cao và kéo dài. Đồng thời, do ảnh hưởng của triều cường, mực nước hạ nguồn sông Cửu Long tại các trạm Mỹ Tho, Mỹ Thuận trên sông Tiền và Cần Thơ trên sông Hậu đã đạt mức lịch sử.
Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc triển khai các biện pháp ứng phó và đã giảm thiểu được thiệt hại, song lũ và triều cường vẫn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, hạ tầng, đặc biệt là diện tích cây ăn trái, thủy sản, hệ thống đê bao, bờ bao. Dự báo, từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 12/2018, khu vực hạ lưu sông Cửu Long còn tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường với mực nước tương đương và cao hơn mực nước triều lịch sử tại một số trạm đợt giữa tháng 10.
Để chủ động sẵn sàng ứng phó với tác động của lũ, triều cường, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Các đơn vị liên quan, tổ chức tuần tra, phát hiện các sự cố sạt lở bờ sông, kênh rạch để cảnh báo, sơ tán người dân kịp thời; rà soát, thống kê, tổng hợp số liệu thiệt hại, đảm bảo chính xác, kịp thời; trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Huy động các nguồn lực gia cố, sửa chữa, củng cố các tuyến đê bao, bờ bao, đường giao thông, hạ tầng. Tổ chức cắm biển cảnh báo, xử lý các sự cố sạt lở bờ sông, kênh rạch, tăng cường rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố sạt lở có thể xảy ra khi nước rút. Chủ động tháo nước, bơm tiêu, chuẩn bị giống và các điều kiện cần thiết để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân đảm bảo thời vụ. Chủ động huy động lực lượng tại chỗ và các nguồn lực của địa phương để gia cố đê bao, bờ bao.
Trường hợp vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Các tỉnh, thành phố vùng tác động của triều cường theo dõi chặt chẽ diễn biến của triều cường, kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng trũng, thấp ven sông, kênh rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng người dân, phòng chống điện giật, đuối nước. Tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại các khu vực đông dân cư bị ngập nước.
Tổ chức cắm biển cảnh báo, phân luồng, hướng dẫn giao thông; duy trì các chốt cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu, sẵn sàng xử lý các tình huống tai nạn có thể xảy ra. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng đưa tin, tuyên truyền cảnh báo thiên tai, triều cường, công tác chỉ đạo, các biện pháp, kỹ năng ứng phó để người dân biết, chủ động phòng tránh
Chủ động gia cố các khu vực có hệ thống đê bao, bờ bào thấp, không đảm bảo an toàn. Tổ chức tuần tra canh gác, chuẩn bị, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý ngay từ giờ đầu sự cố đê bao, bờ bao, sạt lở. Chủ động các phương án phòng chống ngập úng, vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là đối với khu dân cư, diện tích cây ăn trái, khu vực nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Bích Thuần (t/h)